Tăng cường cán bộ công an chính quy cấp cơ sở
Dân trí đưa tin, trong khuôn khổ phiên chất vấn, đại biểu Tô Thị Bích Châu (đoàn TP.HCM) gửi câu hỏi tới Bộ trưởng Công an Tô Lâm, cho biết với tình hình an ninh trật tự phức tạp ở những thành phố đông dân, nếu lực lượng bảo vệ an ninh trật tự cũng bị cắt giảm biên chế cơ học như những ngành khác thì khó thực hiện nhiệm vụ bám sát, giữ mối liên hệ với dân cư và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Với tốc độ đô thị hóa, công việc của công an cấp cơ sở là rất lớn. Theo thống kê, công an khu vực có trên 100 đầu việc phải thực hiện hàng ngày.
Do đó, Bộ Công an không giảm biên chế mà tiếp tục tăng cường, bằng cách điều động công an các cấp, các bộ rồi đến cấp tỉnh, huyện để tăng cường cho cấp cơ sở. Các đơn vị đã điều động gần 500 công an cấp Bộ về cấp xã để tăng cường cho những khu vực có tình hình phức tạp, đặc biệt ở vùng biên giới.
Đại tướng Tô Lâm cũng nêu thêm giải pháp tiếp tục tăng cường sử dụng công nghệ trong giao dịch, kết nối với người dân để hình thành các thông tin, tương tác; từ đó tăng năng suất làm việc của công an cấp khu vực.
Bộ Công an đã xác định 100% mã số định danh cho công dân trên toàn quốc
Cũng đặt câu hỏi cho Bộ trưởng Tô Lâm, đại biểu Nguyễn Tạo (đoàn Lâm Đồng) nêu băn khoăn về việc cấp giấy tờ xác nhận đất ở, đất sản xuất cho người di cư tự phát ở Tây Nguyên trước năm 2000 nhưng chưa được xác định là công dân Việt Nam.
Theo Bộ trưởng Công an Tô Lâm, đến nay, cơ quan này đã xác định 100% mã số định danh cho công dân trên toàn quốc. Việc cấp giấy tờ đặc biệt xác định nhân hộ khẩu hoặc cấp căn cước còn một số công việc, Bộ sẽ tiếp tục triển khai.
Còn một số nhân khẩu đặc biệt như con lai, người không có gốc quốc tịch hoặc người chưa có giấy tờ, Bộ trưởng Công an cho biết cần có xác định để đánh giá; đặc biệt với những công dân chưa có chỗ ở hợp pháp, nhất là khi tình hình di cư vào Tây Nguyên lớn và vấn đề đất đai ở Tây Nguyên cũng rất phức tạp, hiện chưa xác định được vị trí chỗ ở hợp pháp của người dân.
“Theo Hiến pháp thì có thể cư trú ở bất kỳ chỗ nào tại Việt Nam nhưng phải có chỗ ở hợp pháp thì mới cấp được hộ khẩu”, Đại tướng Tô Lâm nói.
Đại tướng Tô Lâm cho rằng công an các cấp vẫn có thể quản lý được giấy tờ của của người dân nhưng chưa cấp được hộ khẩu vì chưa có chỗ ở hợp pháp. Nếu cấp đất ở, hộ khẩu tức là chính quyền đã xác nhận chỗ ở hợp pháp cho người dân. Đến lúc các cơ quan quản lý đất đai xác định được thì rất khó.
Để giải quyết, Bộ trưởng Công an cho rằng phải có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, trong đó các cơ quan phải xác định, giải quyết được vấn đề đất đai và trên cơ sở "có dân thì mới thành lập được chính quyền".
Về hiện trạng ở khu vực Tây Nguyên, Bộ trưởng Tô Lâm cũng thông tin, ở khu vực này hiện nay nhiều bản, nhiều xóm chưa hình thành được vì có dân ở nhưng chưa được xác nhận chỗ ở hợp pháp. Đây là một khó khăn, tồn tại đã nhiều năm; thời gian tới Bộ Công an sẽ tập trung để giải quyết.
Trong phiên chất vấn sáng 7/11, Quốc hội chất vấn các thành viên Chính phủ, trưởng ngành về việc thực hiện một số nghị quyết của Quốc hội khóa XIV và từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đến hết Kỳ họp thứ 4 về giám sát chuyên đề, chất vấn đối với các lĩnh vực: Tư pháp; nội vụ; an ninh, trật tự, an toàn xã hội; thanh tra; tòa án; kiểm sát; kiểm toán.
Từ 15h đến 17h cùng ngày, Quốc hội chất vấn các thành viên Chính phủ, trưởng ngành về việc thực hiện một số nghị quyết của Quốc hội khóa XIV và từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đến hết Kỳ họp thứ 4 về giám sát chuyên đề, chất vấn đối với các lĩnh vực: Khoa học và công nghệ; giáo dục và đào tạo; văn hóa, thể thao và du lịch; y tế; lao động, thương binh và xã hội; thông tin và truyền thông, tin trên báo Người lao động.
Bảo An(T/h)