Sáng 4/6, Bộ trưởng Bộ TN&MT Đặng Quốc Khánh mở màn trả lời chất vấn trước Quốc hội về các vấn đề liên quan lĩnh vực tài nguyên môi trường.
Phát biểu trước khi đăng đàn, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh chia sẻ đây là ngành quản lý lĩnh vực rộng và có nhiều vấn đề liên quan trực tiếp tới người dân. Theo ông, bên cạnh nhiều kết quả đạt được, còn nhiều hạn chế mà ngành tài nguyên và môi trường cần khắc phục.
Với tinh thần thẳng thắn, nghiêm túc, cầu thị, Tư lệnh ngành TN&MT coi phiên đăng đàn trước Quốc hội lần này là cơ hội để trao đổi về thực trạng của những bất cập cũng như tìm ra giải pháp, cơ chế để nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước với những lĩnh vực của ngành.
Luật hoá cơ chế đặc thù về nguyên vật liệu đắp nền
Tham gia chất vấn, đại biểu Đặng Bích Ngọc (đoàn Hoà Bình) cho biết, thời gian qua, để giải quyết khó khăn trong khai thác khoáng sản, nhất là vật liệu san lấp các công trình giao thông trọng điểm, Quốc hội đã cho phép áp dụng cơ chế đặc thù để xử lý vấn đề này.
“Đề nghị Bộ trưởng cho biết cần luật hóa nội dung này thế nào nhằm đảm bảo yêu cầu quản lý Nhà nước, tạo sự thống nhất, chủ động cho chính quyền địa phương tổ chức thực hiện”, bà Ngọc hỏi.
Trả lời, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh khẳng định, cơ chế đặc thù của Quốc hội cho phép đã được triển khai rất hiệu quả. Để luật hóa nội dung này, theo luật hiện hành quy trình cấp mỏ giống như kim loại quý và chưa được phân loại, phân nhóm.
Để xử lý vấn đề này, Bộ TN&MT là cơ quan chủ trì soạn thảo trình Chính phủ trình Quốc hội Luật Địa chất và khoáng sản, trong đó đã phân loại 4 nhóm khoáng sản: kim loại quý, vật liệu xây dựng cao cấp, vật liệu xây dựng thông thường và vật liệu đất đá sỏi.
“Vật liệu đất đá sỏi sẽ được phân cấp cho các địa phương và không phải cấp phép mỏ nữa mà chỉ cần đăng ký, sau đó nộp nghĩa vụ thuế theo quy định”, ông Khánh nói.
Tăng cường kiểm tra sai phạm về khai thác khoáng sản
Đặt vấn đề tại phiên chất vấn, đại biểu Lý Văn Huấn (đoàn Thái Nguyên) cho biết công tác thanh tra, kiểm tra là một trong những giải pháp nhằm giảm thiểu, hạn chế tình trạng khai thác tài nguyên trái phép cũng như gây ô nhiễm môi trường. Những điều này cũng được thể chế hóa tại Điều 227 Bộ Luật Hình sự quy định về tội vi phạm các quy định về khai thác tài nguyên trái phép.
“Vậy qua công tác thanh tra, kiểm tra, Bộ trưởng có kiến nghị xử lý những vụ việc vi phạm như thế nào? Đặc biệt là đối với kiến nghị xử lý đối với các vụ việc có dấu hiệu vi phạm hình sự. Và giải pháp của Bộ trưởng trong thời gian tới để tăng cường công tác thanh tra để xử lý những hành vi vi phạm này?”, đại biểu Huấn chất vấn.
Trả lời nội dung này, Bộ trưởng TN&MT cho hay, hoạt động khai thác khoáng sản được phân cấp mạnh cho các địa phương. Vừa qua Bộ và các địa phương cũng tăng cường kiểm tra giám sát.
Trong năm qua, Bộ có 12 cuộc thanh tra và 40 cuộc kiểm tra chấp hành về khoáng sản, phát hiện 258 tổ chức cá nhân vi phạm và ban hành 258 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng só tiền 30 tỷ đồng.
Qua kiểm tra, thanh tra, sai phạm chủ yếu của các chủ dự án mỏ là khai thác vượt công suất, khai thác vượt ranh giới và khai thác không đảm bảo điều kiện về môi trường.
Với quan điểm xử lý nghiêm sai phạm, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh nhấn mạnh: “Những sai phạm có tính liên tục và sai phạm sau khi xử phạt hành chính vẫn tiếp diễn thì sẽ chuyển sang cơ quan điều tra để xử lý nghiêm”.
Ông Khánh cũng nhấn mạnh chủ trương phân cấp mạnh hơn cho các địa phương, còn Bộ TN&MT sẽ tăng cường đội ngũ thanh tra, kiểm tra phối hợp với các địa phương xử lý vi phạm.
“Khai thác khoáng sản chắc chắn ở địa phương, ở cơ sở sẽ biết. Đề nghị địa phương quan tâm và giao cho người đứng đầu các cấp, quan tâm xử lý vi phạm về khai thác khoáng sản, nguồn tài sản của quốc gia”, ông Khánh nêu rõ.
Nguyễn Thu Huyền