Đây là câu hỏi Bộ trưởng Đinh La Thăng đặt ra đối với các đơn vị liên quan tại cuộc họp về chất lượng công trình giao thông vừa diễn ra sáng nay (18/8).
Bộ trưởng Đinh La Thăng lắng nghe và ghi nhận nhiều ý kiến về biện pháp quản lý chất lượng công trình giao thông. |
Nhận thầu giá thấp sao vẫn nghiệm thu được?
Mở đầu cuộc họp, Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết, trong 4 năm qua, chất lượng công trình giao thông luôn là vấn đề thời sự nóng hổi được lãnh đạo Bộ quan tâm. Năm nào cũng được xác định là “Năm chất lượng công trình giao thông” nhưng chất lượng công trình vẫn còn nhiều tồn tại”
“Ngành GTVT là lĩnh vực tiêu nhiều tiền nhất của dân và cũng làm ảnh hưởng nhất đến người dân. Người dân đã chia sẻ rất nhiều khổ cực khi chúng ta thi công trước cửa nhà, ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt. Vì thế việc bảo đảm tiến độ, chất lượng là đòi hỏi chính đáng của người dân và xã hội. Việc này cũng vừa là trách nhiệm vừa là danh dự của ngành Giao thông”.
Bộ trưởng đặt câu hỏi: “Quản lý, xây dựng định mức, dự toán có vấn đề gì không. Tại sao các chủ thầu chính được phê duyệt mà vẫn bán thầu được. Thậm chí bán với số phần trăm lớn. Có phải do xây dựng định mức không hợp lý? Thậm chí Quang Đức (nhà thầu tại dự án đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên - PV) bán đến 30\% mà vẫn có người nhận làm. Nếu làm đúng, chất lượng có đảm bảo? Tại sao như vậy mà vẫn nghiêm thu được?”.
Lý giải câu hỏi này, ông Nguyễn Ngọc Long – Phó Chủ tịch Hiệp hội Cầu – Đường Việt Nam cho biết: “Đây là thời điểm chín muồi bởi điều kiện cần là quyết tâm của lãnh đạo Bộ đã được thể hiện cao nhất và đã lan tỏa xuống các cơ quan quản lý, nhưng lại chưa xuống được nơi trực tiếp thi công. Sở dĩ có tình trạng bán thầu nhiều phần trăm mà vẫn nhận làm là do có những đơn vị chỉ nhằm mục đích kinh doanh để lấy lợi nhuận chứ không thực sự làm nghề. Vì mục đích kinh doanh nên đối với họ, chất lượng công trình chỉ ở trên sổ sách. Vì thế họ tìm mọi cách để luồn lách…”.
Ở đâu làm ra, ở đó phải chịu trách nhiệm
Trước lý giải này, Bộ trưởng tiếp tục đặt câu hỏi: “Thế bán mấy chục phần trăm mà sao họ vẫn làm được, vẫn được nghiệm thu?”.
Trả lời chất vấn của Bộ trưởng, ông Long cho biết: “Các nhà thầu có nhiều “cửa” để bớt xén. Chẳng hạn như chuyện vận chuyển đất đá ra khỏi công trình, lẽ ra phải mang ra xa đổ thì họ chỉ ủi một cái xuống đấy luôn. Trong cái đấy có lỗi của các chủ thể quản lý. Ở đây là tư vấn giám sát”.
Ông Trịnh Xuân Cường – Thành viên Tổ tư vấn của Bộ trưởng cho biết thêm: “Họ nhận thầu với giá bằng 2/3 sẽ ảnh hưởng đến chất lượng. Nhưng sao vẫn nghiệm thu được? Vì nó không thể hiện ra ngoài. Khi nghiệm thu mặt đường vẫn êm thuận, bóng bẩy. Chẳng hạn như ở Hà Nội có chuyện lát vỉa hè. Do lớp nền không tốt nên cứ vài năm lại bong tróc, lại phải lát lại”.
Theo PGS-TS Tống Trần Tùng – Tổ trưởng Tổ tư vấn Bộ trưởng, đã đến lúc cần thay đổi thể chế. Hệ thống của chúng ta hiện nay chưa chỉ ra ai là người chịu trách nhiệm. Công trình giao thông nó tích lũy hư hỏng, không phải mấy năm bảo hành là có thể thấy mà có khi nhiều năm sau nó mới hỏng. Trong vấn đề chất lượng công trình kém có thông đồng giữa tư vấn và nhà thầu....
Ngồi nhấp nhổm giơ tay xin phát biểu ý kiến từ lâu, ông Lê Thanh Hà – Chánh Thanh tra Bộ GTVT thẳng thắn: “Tại sao bán thầu, tỷ lệ bán thầu cao mà nhà thầu khác vẫn làm, vẫn nghiệm thu được? Cái gốc cuối cùng là ở Ban QLDA. Luật trước nay đã qui định, hành vi bán thầu chỉ cần chuyển nhượng vượt quá 10\% đã bị coi là bán thầu và sẽ bị xử lý. Thế nhưng lâu nay không thấy áp dụng. Chúng ta hiện nay đang áp dụng qui định về bảo hành từ 2 – 5 năm thì chưa chắc đã quản lý được chất lượng. Thực ra, không phải cứ hết bảo hành hết trách nhiệm mà sau đó phát hiện hư hỏng do sai sót thì vẫn bị xử lý. Chúng ta phải xác định rõ, chủ nhà như thế nào thì sẽ ra sản phẩm thế ấy. Không Ban QLDA nào không biết, chỉ có sự làm ngơ thì nhà thầu mới dám làm thế”.
Kết luận cuộc họp, Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết, quan điểm của Bộ là bất cứ đầu tư bằng nguồn vốn nào cũng đều là ngân sách, là tiền thuế đóng thuế của người dân, kể cả vốn BOT, BT, PPP. Vì thế các Ban QLDA phải quản lý tất cả các dự án có vốn ngoài ngân sách như là dự án vốn ngân sách.
“Suy cho cùng còn tình trạng bán thầu là do thực hiện không nghiêm. Chế tài chưa quy định rõ được quyền hạn, quyền lợi, trách nhiệm và nghĩa vụ. Cần xác định ở đâu tạo ra sản phẩm thì ở đấy phải chịu trách nhiệm. Thời gian tới, Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông cần tích cực phát hiện, đề xuất các trường hợp tiêu cực, tình trạng bán thầu và phát hiện các Ban QLDA làm không tốt để xử lý quyết liệt hơn…”.