+Aa-
    Zalo

    Bộ trưởng Tài chính: Thuế thật sự phải là công cụ bảo vệ nền kinh tế

    • Nguyễn Thu HuyềnDSPL

    (ĐS&PL) - Theo Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, thuế VAT có phạm vi điều tiết rất rộng, đánh vào hầu hết các loại hàng hóa, dịch vụ nên sẽ liên quan đến lợi ích của các nhà sản xuất.

    Cuối phiên thảo luận về dự án Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) ngày 24/6, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã có giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.

    Thuế VAT có phạm vi điều tiết rất rộng

    Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, thuế VAT có phạm vi điều tiết rất rộng và đánh vào hầu hết các loại hàng hóa và dịch vụ nên sẽ liên quan đến lợi ích của nhiều nhà sản xuất, kinh doanh.

    Vì vậy, quy định trong dự thảo Luật cần làm thế nào để đảm bảo cho sản xuất phát triển, thương mại phát triển, từ đó quy định thống nhất theo đúng Chiến lược thuế theo Nghị quyết của Đảng, nên ban soạn thảo nghiên cứu hết sức chặt chẽ và đánh giá tác động của từng vấn đề liên quan đến chính sách thuế VAT, bao quát được các nguồn thu, phù hợp với thông lệ quốc tế.

    Bộ trưởng cho biết, theo chiến lược đến năm 2030 phải huy động vào ngân sách 16 - 17% GDP, trong đó thuế và phí là 14 - 15% GDP; tỉ lệ thu nội địa phải đạt được 86 - 87%.

    “Qua ý kiến của đại biểu Quốc hội, cơ quan soạn thảo xin tiếp thu, lắng nghe ý kiến và đánh giá lại tác động của từng gói chính sách và những vấn đề đang còn tranh luận để đến kỳ họp sau đảm bảo thống nhất khi ban hành”, ông Phớc nói.

    Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc giải trình (Ảnh: Media Quốc hội).

    Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc giải trình (Ảnh: Media Quốc hội).

    Giải trình một số vấn đề có nhiều ý kiến đại biểu nêu liên quan đến quy định giao Chính phủ quy định hàng hóa, dịch vụ hộ gia đình, cá nhân không chịu thuế VAT, Bộ trưởng cho biết, quy định trong luật phải đảm bảo phù hợp với xu thế của thế giới.

    “Thuế thật sự phải là công cụ để bảo vệ nền kinh tế và phải thích ứng với quá trình lãnh đạo điều hành và quản lý nền kinh tế, đặc biệt là kinh tế vĩ mô”, ông Phớc nói và cho rằng, việc phân cấp cho Chính phủ là hết sức quan trọng và đảm bảo sự linh hoạt, hiệu quả trong quá trình điều hành.

    Bộ trưởng cho rằng, mức doanh thu không chịu thuế cần được tính toán cân đối với tình hình trượt giá, mức tăng CPI cũng như tăng lương và chi phí khác. Ví dụ, thời điểm này có thể quy định mức 100 triệu đồng, nhưng có thể năm sau sẽ điều chỉnh lên 150 triệu đồng, năm sau nữa lên 200 triệu đồng... Do đó, việc giao cho Chính phủ quy định sẽ linh hoạt hơn.

    Theo Bộ trưởng, trước khi có tham mưu cho Chính phủ, Bộ Tài chính phải đánh giá một cách toàn diện, từ chỉ số CPI đến các loại hàng hóa, đến vấn đề tăng lương, vấn đề mất giá của đồng tiền, tác động của tỉ giá… lúc đó mới đưa ra các quy định phù hợp.

    “Trường hợp nội dung trên không giao thẩm quyền cho Chính phủ mà quy định thẩm quyền của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thì các bước triển khai sẽ có thêm nhiều khâu, thủ tục hơn và ít nhất mất 6 tháng mới có thể sửa được các chính sách”, ông Phớc cho hay.

    Giá phân bón không chỉ tác động bởi thuế

    Liên quan đến quy định về thuế suất đối với mặt hàng phân bón, nhiều ý kiến cho rằng không nên áp thuế 5% trong khi lại có không ít ý kiến ngược lại. Bộ trưởng cho hay, quá trình từ khi xây dựng Luật Thuế VAT năm 2008 đến năm 2013, 2014 đã từng đưa phân bón vào đối tượng chịu thuế 5% sau đó lại bỏ ra khỏi đối tượng chịu thuế.

    Bộ trưởng thông tin, hiện nay, sản lượng sản xuất phân bón trong nước là 73,3%, nhập khẩu là 26,7%. Việc quy định mức thuế 5% sẽ không tạo sự mất bình đẳng giữa doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp nhập khẩu. Bên cạnh đó, việc hoàn thuế VAT sẽ tạo nguồn lực cho doanh nghiệp để tiếp tục đầu tư đổi mới công nghệ, hạ giá thành sản phẩm và phát triển bền vững.

    Cũng theo Bộ trưởng, giá phân bón không chỉ tác động bởi thuế mà còn chịu tác động bởi cung - cầu hàng hoá, nếu nguồn cung tăng giá sẽ rẻ, ngược lại nguồn cung thấp giá sẽ cao.

    Phiên thảo luận về Luật Thuế giá trị gia tăng sửa đổi chiều 24/6 (Ảnh: Media Quốc hội).

    Phiên thảo luận về Luật Thuế giá trị gia tăng sửa đổi chiều 24/6 (Ảnh: Media Quốc hội).

    Về vấn đề thuế VAT với hàng hoá nhập khẩu giá trị nhỏ, Bộ trưởng thông tin, nội dung này hiện nay được thực hiện theo Quyết định số 78/2010 của Thủ tướng Chính phủ trên cơ sở thực hiện thoả thuận quốc tế. Tuy nhiên, hiện nay, nhiều quốc gia đã bỏ quy định này.

    Điển hình như EU đã bỏ quy định miễn thuế VAT với lô hàng từ 22 Euro trở xuống; Anh bỏ quy định miễn thuế VAT với hàng hoá nhập khẩu có giá trị 135 bảng Anh trở xuống; Thái Lan thực hiện thu thuế VAT 7% đối với tất cả hàng hoá nhập khẩu...

    Liên quan đến vấn đề đại biểu nêu về kinh doanh bất động sản chịu thuế, Bộ trưởng nêu rõ, đối với tiền sử dụng đất, tiền thuê đất là những đối tượng không chịu thuế. Tuy nhiên, kinh doanh bất động sản sẽ phải đầu tư đầu vào như cơ sở hạ tầng, thiết bị, vật tư..., được khấu trừ thuế đầu vào thì phải chịu thuế VAT đầu ra, nếu không chịu thuế sẽ không được khấu trừ thuế đầu vào.

    Về vấn đề chính sách tài khoá mở rộng, Bộ trưởng cho rằng, hết năm 2024 nên hoàn thành chính sách này và tập trung thực hiện chính sách tài khoá thắt chặt, phù hợp với xu thế hiện nay để nâng sức mạnh tài chính công, tập trung cho đầu tư phát triển, an sinh xã hội.

    Bộ trưởng khẳng định, cơ quan soạn thảo sẽ tiếp tục lắng nghe, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, đánh giá tác động của từng chính sách và những vấn đề còn tranh luận để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật.

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/bo-truong-tai-chinh-thue-that-su-phai-la-cong-cu-bao-ve-nen-kinh-te-a437866.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan