+Aa-
    Zalo

    Bộ trưởng Tài chính nói về việc Trung tâm Hội nghị quốc gia cho thuê làm đám cưới

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Chủ trương cho phép các đơn vị sự nghiệp công lập được khai thác tài sản công chưa sử dụng hết công năng vào mục đích liên kết cho thuê đã được quy định

    Chủ trương cho phép các đơn vị sự nghiệp công lập được khai thác tài sản công chưa sử dụng hết công năng vào mục đích liên kết cho thuê, liên doanh, liên kết đã được quy định tại Luật quản lý tài sản nhà nước năm 2008.

    Dự thảo Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (sửa đổi) quy định cho phép cơ quan nhà nước được sử dụng hội trường, phương tiện vận tải chưa sử dụng hết công suất cho cơ quan nhà nước khác, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân, đơn vị sự nghiệp công lập, cơ quan Đảng, tổ chức chính trị xã hội sử dụng chung tài sản để tránh việc đầu tư lãng phí trong khi nhu cầu sử dụng không thường xuyên để giảm bớt chi phí của ngân sách nhà nước.

    Trả lời trước Quốc hội sáng 29/05, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng khẳng định, các cơ quan nhà nước có chức năng nhiệm vụ riêng nhưng có thể sử dụng chung một đơn vị sử dụng ô tô để giảm về đầu xe công.

    "Đối với đơn vị sự nghiệp công lập, mục tiêu cao nhất của việc quản lý tài sản công là tạo ra dịch vụ công chi phí thấp, chất lượng tốt. Theo đó, việc sử dụng tài sản phải tối đa hóa công suất, giảm chi phí", Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nói.

    Chủ trương cho phép các đơn vị sự nghiệp công lập được khai thác tài sản công chưa sử dụng hết công năng vào mục đích liên kết cho thuê, liên doanh, liên kết đã được quy định tại Luật quản lý tài sản nhà nước năm 2008.

    Tổng viên chức tại các đơn vị sự nghiệp công lập hiện nay khoảng 2 triệu người, chi phí cho việc vận hành bộ máy này là rất lớn, việc cho phép các đơn vị sự nghiệp công lập được khai thác tài sản công chưa sử dụng hết công năng vào mục đích sản xuất công năng dịch vụ, cho thuê, liên doanh liên kết sẽ giảm bớt áp lực cho ngân sách nhà nước và nâng cao hiệu quả nguồn tài sản, tạo ra nguồn thu phục vụ hoạt động đầu tư, nâng cao chất lượng. Số lượng dịch vụ của các đơn vị sự nghiệp công lập góp phần đáp ứng nhu cầu của nguồn lực xã hội, tăng cường xã hội hóa theo chủ trương của Đảng và Nhà nước.

    Bộ trưởng Bộ Tài chính khẳng định tinh thần là cho thuê nhưng sử dụng vào sự nghiệp dịch vụ công. Cho thuê theo giá thị trường, tính đúng, tính đủ theo giá thị trường. Đồng thời tạo điều kiện cho các đơn vị sự nghiệp công lập vươn lên tự chủ ngày càng cao. Dự luật lần này kế thừa tinh thần của Luật năm 2008 về việc cho phép khai thác dịch vụ công tại các đơn vị sự nghiệp công lập theo phân cấp của Chính phủ.

    Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng.

    Bộ trưởng khẳng định, Nghị định 16 của Chính phủ cũng đang đi theo lộ trình này. Theo đó, để việc khai thác tài sản công tại các đơn vị sự nghiệp công lập được chặt chẽ, dự thảo luật rà soát, bổ sung các yêu cầu khi sử dụng tài sản vào mục đích kinh doanh gồm: không làm ảnh hưởng đến nhiệm vụ chức năng do nhà nước giao; không làm mất quyền sở hữu tài sản của nhà nước; bảo toàn và phát triển vốn, tài sản của nhà nước, sử dụng tài sản đúng mục đích; đầu tư xây dựng, mua sắm phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của đơn vị; phát huy hiệu quả tài sản; tính đủ khấu hao tài sản cổ định; thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế phí, lệ phí và các nghĩa vụ tài chính khác với nhà nước theo quy định của pháp luật; đồng thời việc khai thác tài sản phải được lập thành đề án và được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

    Để ngăn chặn tình trạng tiếp tục đầu tư mua sắm mới tài sản của các đơn vị sự nghiệp công lập từ nguồn vốn nhà nước, dẫn đến dư thừa công năng, UBTVQH đã điều chỉnh theo hướng đối với tài sản thuộc đơn vị sự nghiệp công lập được đầu tư từ ngân sách nhà nước sau thời điểm Nghị định có hiệu lực thi hành nhưng chưa sử dụng hết công suất chỉ được khai thác vào mục đích kinh doanh dịch vụ, cho thuê, liên doanh, liên kết khi được Thủ tướng Chính phủ quyết định.

    Bộ Tài chính nhất trí với việc quản lý chặt chẽ, tránh việc đầu tư dàn trải, kém hiệu quả. Nhưng Bộ Tài chính cũng đề nghị Quốc hội giao Chính phủ phân cấp thẩm quyền quyết định đối với tài sản ở các đơn vị sự nghiệp công lập được đầu tư từ ngân sách nhà nước, sau thời điểm có hiệu lực thi hành chưa sử dụng hết công suất.

    "Chúng ta phải làm một công trình nào đó để phục vụ cho nhiệm vụ chính trị, ví dụ như APEC, nhưng sau Hội nghị APEC thì công trình đó sẽ không được liên tục sử dụng sẽ phải có cơ chế để sử dụng công trình này. Chẳng hạn như Trung tâm Hội nghị Quốc gia, sau APEC 2007 công trình này không được sử dụng cho APEC, vậy nên phải có cơ chế sao cho sử dụng có hiệu quả, ít nhất cũng phải thu được đủ tiền để giảm chi phí bảo hành, bảo dưỡng, giảm tối đa việc bỏ tiền từ ngân sách nhà nước", Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết.

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/bo-truong-tai-chinh-noi-ve-viec-trung-tam-hoi-nghi-quoc-gia-cho-thue-lam-dam-cuoi-a191724.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan