+Aa-
    Zalo

    Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhận trách nhiệm, nêu giải pháp lấp kẽ hở kỳ thi THPT Quốc gia

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Tại phiên họp thường kỳ Chính phủ diễn ra sáng 1/8, Bộ trưởng bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết sẽ rút kinh nghiệm từ những vấn đề gian lận xảy ra ở Hà Giang, Sơn La.

    Tại phiên họp thường kỳ Chính phủ diễn ra sáng 1/8, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết sẽ rút kinh nghiệm từ những vấn đề gian lận xảy ra ở Hà Giang, Sơn La vừa qua.

    Khẳng định sự đúng đắn của đổi mới thi cử

    Mở đầu báo cáo của ngành giáo dục gửi tới Chính phủ, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ một lần nữa khẳng định việc đổi mới căn bản hình thức và phương pháp thi, kiểm tra và đánh giá kết quả giáo dục, đào tạo là một trong chín nhóm nhiệm vụ mà Nghị quyết Trung ương 29 đặt ra để đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Thực hiện Nghị quyết 29, Chính phủ đã ban hành Chương trình hành động (Nghị quyết 44), trong đó xác định: “Đổi mới việc tổ chức thi, công nhận tốt nghiệp THPT và tuyển sinh CĐ, ĐH tiến tới tổ chức một kỳ thi chung, lấy kết quả để xét công nhận tốt nghiệp và làm căn cứ tuyển sinh đào tạo nghề và đại học, cao đẳng...”.

    Phiên họp thường kỳ Chính phủ sáng 1/8.

    Ông Nhạ cũng nhắc lại lý do của việc lựa chọn kỳ thi “2 trong 1”: “Lựa chọn này xuất phát từ việc thực hiện đổi mới thi, kiểm tra và đánh giá sẽ có tác động tích cực tới việc đổi mới phương pháp dạy và học. Bên cạnh đó, việc thi cử tại thời điểm đó còn rất nặng nề. Mỗi năm phải tổ chức nhiều kỳ thi, nhiều đợt thi (trong gần 1 tháng thí sinh phải dự thi 1 kỳ thi tốt nghiệp THPT và 3 đợt thi tuyển sinh ĐH, CĐ). Học sinh các tỉnh xa phải lên Hà Nội, TP.HCM và một số thành phố lớn để dự thi rất vất vả, áp lực, tốn kém thời gian, công sức, tiền bạc của thí sinh, phụ huynh và toàn xã hội. Ngoài ra, các tiêu cực trong thi cử ở Đồi Ngô, Phú Xuyên khiến dư luận rất bức xúc”.

    “Chính vì vậy, Bộ GD&ĐT đã xây dựng phương án đổi mới thi với mục tiêu khắc phục các bất cập nêu trên, đảm bảo trung thực, khách quan, giảm áp lực, giảm chi phí đối với thí sinh, gia đình, xã hội. Khi xây dựng phương án thi, cũng có nhiều tranh luận, góp ý. Có ý kiến cho rằng nên bỏ thi tốt nghiệp THPT mà chỉ tổ chức thi ĐH, CĐ. Tuy nhiên, việc này không thực hiện được vì trái với luật Giáo dục. Hơn nữa, nếu bỏ thi thì học sinh sẽ không học, chất lượng giáo dục sẽ đi xuống, kết quả học tập của học sinh chúng ta sẽ không được quốc tế công nhận. Việc Bộ đứng ra tổ chức thi ĐH, CĐ cũng không được vì vi phạm quyền tự chủ của các trường ĐH, CĐ mà luật GDĐH năm 2012 đã quy định”, ông Nhạ nói.

    Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ

    Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cũng cho rằng, trước khi tiến tới thực hiện kỳ thi này cũng đã cân nhắc rất nhiều các phương án, các ý kiến đóng góp của xã hội, nhưng ông khẳng định đây là phương án tốt nhất.

    Tôi cũng xin nói thêm, khi đưa ra phương án thi trắc nghiệm (trừ môn Ngữ văn) cũng có nhiều ý kiến khác nhau nhưng cuối cùng cũng đã đi đến thống nhất thi trắc nghiệm là phù hợp vì đây là kỳ thi đánh giá trên diện rộng nên yêu cầu cao nhất là đảm bảo tính khách quan, trung thực, hạn chế học lệch, học tủ, quay cóp, gian lận trong thi cử.

    Gian lận thi cử vừa qua là rất nghiêm trọng

    Tư lệnh ngành Giáo dục nhìn nhận vụ việc xảy ra tại Hà Giang, Sơn La là rất nghiêm trọng. Ông nói: “Chúng tôi đánh giá là những sai phạm rất nghiêm trọng. Chúng tôi đã báo cáo Thủ tướng, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và phối hợp chặt chẽ với bộ Công an để xử lý vụ việc trên tinh thần nghiêm túc, kiên quyết, kịp thời, xử lý nghiêm minh các cá nhân vi phạm theo đúng quy chế thi và các quy định pháp luật hiện hành”.

    “Ở đây chúng tôi nói rõ, xảy ra sai phạm thì phải xử lý nghiêm nhưng không vì sai phạm ấy mà phủ nhận toàn bộ kết quả của kỳ thi và vội vàng đề nghị xóa bỏ kỳ thi này như một số ý kiến đặt ra. Trước các sai phạm xảy ra tại một số địa phương, với trách nhiệm của mình, tôi xin nhận trách nhiệm”, ông nhấn mạnh.

    Ông Nhạ cũng cho biết, sau khi xảy ra tiêu cực đã tiến hành rà soát và đã thấy những hạn chế trong công tác thi. Cụ thể:

    Đề thi chưa thật sự phù hợp với yêu cầu của thi THPT, trong đề thi có những câu hỏi có độ khó cao;

    Phần mềm chấm trắc nghiệm còn có những kẽ hở trong bảo mật có thể dẫn đến bị lợi dụng để làm sai lệch kết quả thi;

    Công tác thanh kiểm tra, giám sát của bộ GD&ĐT đối với các địa phương đã được tăng cường hơn nhưng vẫn còn sơ hở, chưa sâu sát.

    Từ đó ông đưa ra giải pháp:

    Tiếp tục bổ sung ngân hàng câu hỏi thi làm cơ sở để xây dựng đề thi phù hợp, đáp ứng tốt hơn mục đích, yêu cầu của kỳ thi THPT Quốc gia;

    Hoàn thiện phần mềm chấm thi theo hướng tăng cường tính bảo mật, ngăn ngừa nguy cơ gian lận trong chấm thi;

    Cải tiến phương thức tổ chức chấm thi, trong đó xem xét chấm tập trung theo các cụm để nâng cao tính trung thực, khách quan trong khâu chấm thi;

    Quy định rõ trách nhiệm của các địa phương, các trường đại học, của các cán bộ làm công tác coi thi, chấm thi; tăng cường vai trò giám sát, thanh, kiểm tra của bộ GD&ĐT đối với các Hội đồng thi.

    “Hiện nay chúng ta đang tiến hành sửa 2 luật (luật GD và luật GDĐH), vấn đề thi và tuyển sinh cũng được đặt ra, nhưng như đã phân tích ở trên, việc bỏ thi THPT Quốc gia ở thời điểm này là không nên. Chúng tôi sẽ nghiên cứu thấu đáo nhưng quan điểm của Bộ việc bỏ thi THPT Quốc gia trong những năm tới là chưa thể thực hiện được. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ cố gắng để kỳ thi này đảm bảo thực chất hơn, đánh giá đúng chất lượng giáo dục của các địa phương. Chúng tôi sẽ tiếp tục hoàn thiện để kỳ thi THPT Quốc gia những năm tới được tổ chức tốt hơn”, ông Nhạ kết thúc phần báo cáo của mình trước Chính phủ.

    Công Luân
    Theo Người Đưa Tin
    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/bo-truong-phung-xuan-nha-nhan-trach-nhiem-neu-giai-phap-lap-ke-ho-ky-thi-thpt-quoc-gia-a238553.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan