Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, cần kiểm soát quá trình luân chuyển từ tỉnh này sang tỉnh khác, từ vùng này sang vùng khác, đặc biệt phải "khóa chặt" trục đường quốc lộ 1 để tránh làm dịch tả lợn châu Phi lan rộng.
Chiều 14/3, tại cuộc họp khẩn với các tỉnh phía Bắc bàn giải pháp ngăn chặn dịch tả lợn châu Phi (ASF), Bộ trưởng NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, dù thực hiện động bộ các giải pháp, nhưng đến nay ASF đã lan ra hơn 220 xã, 52 huyện của 17 tỉnh, thành. Tổng số lợn tiêu hủy đã lên đến 23.500 con.
Theo ông Cường, thời gian tới có ASF nguy cơ sẽ lan truyền ra 3 khu vực. Thứ nhất là các tỉnh Đồng bằng sông Hồng, vùng này không tổ chức phòng chống dịch tốt sẽ lan truyền sang các địa phương chưa bị, và nguy cơ thành “khu vực đỏ”.
Bộ trưởng Nông nghiệp kêu dọi người dân không quay lưng với thịt lợn. Ảnh: Tiền Phong |
Khu vực thứ hai là các tỉnh miền núi phía Bắc, bởi đây là vùng rừng núi rất rộng, virus âm ỉ rất khó kiểm soát. Khu thứ ba là miền Nam, nếu không giữ được sẽ vô cùng nguy hiểm. Đây là vùng sống nước, giao thương lớn, là địa bàn trọng điểm chiếm 10% tỷ trọng ngành lợn.
Bộ trưởng Cường yêu cầu các địa phương phải tập trung đồng bộ các giải pháp theo chỉ thị 04 của Thủ tướng, các văn bản hướng dẫn của Bộ NN&PTNT và bám sát thực tiễn để đưa ra giải pháp khống chế dịch phù hợp.
Theo Bộ trưởng, cần tập trung xử lý an toàn sinh học trong chăn nuôi, xử lý môi trường triệt để ngay từ hộ chăn nuôi, cứ hộ chăn nuôi lợn là rắc vôi bột triệt để. Cách làm này vừa không tốn tiền, vừa hiệu quả. Nếu xử lý vôi bột mỗi năm 2-3 lần thì chuồng trại chăn nuôi rất an toàn. Thức ăn thừa cần xử nấu chín để bảo vệ đàn lợn.
Đối với nhóm trang trại lớn, ông Cường đề nghị lãnh đạo các tỉnh chỉ đạo, đôn đốc qua điện thoại, bằng mọi kênh, đừng đi đến trực tiếp chuồng trại, tránh để dịch bệnh lây lan.
Bộ trưởng Cường cũng lưu ý, kiểm soát chặt quá trình luân chuyển, từ nhân lực, mẫu phân tích, đặc biệt lưu ý các chốt chặn từ tỉnh này sang tỉnh khác, từ vùng này sang vùng khác. Nhất là trục đường quốc lộ 1 phải khóa thật chặt.
Tiêu hủy số lợn bị nhiễm bệnh. |
Về công tác tuyên truyền, cần phải bám tinh thần chung của Chỉ thị 04, định hướng để người dân không quay lưng với thịt lợn. Chú ý tuyên truyền để người dân, xã hội thấy ăn thịt lợn thời điểm này vẫn bình thường. Bởi tất cả các ổ dịch bùng phát, chúng ta đã khoanh vùng và khống chế ngay rồi.
Về giải pháp lâu dài, Bộ trưởng giao nhiệm vụ cho Cục Thú y, Cục Chăn nuôi, xây dựng kế hoạch để chuẩn bị 3 Bộ NN&PTNT, Y Tế, KHCN sẽ mời OIE, FAO... và các tập đoàn chăn nuôi lớn, các chuyên gia khoa học đề ra nhiệm vụ xây dựng đề án sản xuất vắc xin. Đồng thời cần nghiên cứu chuyên sâu các véc tơ gây bệnh của dịch bệnh này, không chờ để "ăn sẵn".
Bộ NN&PTNT sẽ tăng cường công tác kiểm tra chuyên ngành. Đặc biệt, các chủ tịch UBND tỉnh phải chịu trách nhiệm về mọi công tác phòng chống dịch theo tinh thần của Chỉ thị 04.
Được biết, tính đến chiều 14/3, đã có 17 tỉnh đã có dịch tả lợn châu Phi bao gồm: Hưng Yên, Thái Bình, Hải Phòng, Thanh Hóa, Hà Nội, Hải Dương, Hà Nam, Hòa Bình, Điện Biên, Thái Nguyên, Quảng Ninh, Ninh Bình, Nam Định, Lạng Sơn, Bắc Kạn và Nghệ An, với tổng số lợn tiêu hủy gần 23.500 con.
Nguyễn Phượng (T/h)