Sáng 19/6, Quốc hội thảo luận tại hội trường về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 – 2035.
Phát biểu làm rõ một số nội dung các ĐBQH nêu, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng bày tỏ sự phấn khởi khi các ý kiến của các ĐBQH tại phiên thảo luận đều thống nhất cao sự cần thiết phải có chương trình và mong muốn chương trình sớm được ban hành.
Giải trình làm rõ tranh luận của các ĐBQH về việc liệu chương trình này sẽ làm gì, có vi phạm Luật Đầu tư công hay không?
Bộ trưởng Nguyễn Hùng cho biết, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch khẳng định đã nghiên cứu rất kỹ, dựa vào Điều 3 Nghị định 27 hướng dẫn thực hiện Luật Đầu tư công là dự án, tiểu dự án, nội dung thành phần của Chương trình mục tiêu quốc gia là dự án thành phần.
Ông Hùng cho rằng sau khi được Quốc hội thông qua thì tới đây sẽ thiết kế cụ thể các nhiệm vụ.
“Còn hôm nay đòi hỏi ngay có một dự án nào sửa gì, xây dựng gì thì chưa thể làm ngay được”, ông Hùng nói.
Ông cũng cho rằng các địa phương, bộ ngành phải cùng phối hợp làm mới đưa lên được danh mục cụ thể cho một số lĩnh vực.
“Chúng tôi không thể tự vẽ ra danh mục cho từng địa phương hoặc cho từng đơn vị", Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch nhấn mạnh.
Với những lo ngại của đại biểu về nguồn lực, ông Hùng cho rằng: “Tiền nhiều hay ít không quan trọng bằng cách cho. Khi làm chúng tôi cũng phải dựa trên số liệu của Bộ Tài chính, tổng hợp của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và chúng tôi tính toán trong lộ trình. Ví dụ các nguồn thu, bội thu ngân sách của Nhà nước trong những năm gần đây, tính toán về tổng nguồn để dự kiến phù hợp và tương thích với các chương trình khác ở trong này”.
Về đối tượng, về việc nhiều đại biểu đề cập tới đối tượng trong nước và ngoài nước, Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch cho biết Hiến pháp nói rõ mọi người đều có quyền hưởng thụ và tiếp cận các giá trị văn hóa, tham gia vào đời sống văn hóa, sử dụng các hoạt động văn hóa.
Trong chương trình này, sở dĩ đối tượng là nhân dân cả nước và mở rộng thêm kiều bào ta ở nước ngoài.
Theo ông, Bác Hồ đã nói kiều bào ở nước ngoài là bộ phận máu thịt của dân tộc và gần đây Nghị quyết 52 của Bộ Chính trị nói về việc này cũng rất kỹ.
Ông nêu lại việc các khóa trước lại cho phép xây dựng Trung tâm Văn hóa ở Pháp trị giá 252 tỷ đồng, Trung tâm Văn hóa ở Lào 190 tỷ đồng đến nay đều hoạt động rất tốt.
Đó là nơi dạy tiếng Việt, là ngôi nhà chung của kiều bào Việt Nam, là nơi để thể hiện văn hóa. Tại các trung tâm này, biên chế chỉ có 3 người, ngoài ra có nghệ sĩ luân phiên nhau sang hoạt động, còn chủ yếu dựa vào Hiệp đoàn, Liên đoàn, Hiệp hội và đồng bào ở đó.
Ông dẫn lại trong dịp ngày 19/5 vừa qua, kỷ niệm sinh nhật Bác, những em bé ngoại quốc hát bài hát bằng tiếng Việt "Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu niên nhi đồng", thật sự xúc động và thấy được giá trị văn hóa của Việt Nam, rất ý nghĩa.
Mặt khác, ông Hùng khẳng định Bộ không đề xuất tất cả cộng đồng người Việt đều xây dựng hết mà xếp theo thứ tự, cộng đồng nào đông người Việt Nam nhiều nhất.
Về vấn đề ngân sách phân cấp, theo ông, bộ đã đề xuất địa phương đóng góp trung bình là 24,6% chứ không cào bằng địa phương khó cũng như có điều kiện.
Thực tế, đã có nhiều địa phương dùng tiền của địa phương mình để đầu tư, phần còn lại bổ sung cho đơn vị khác. Đơn cử như ở Hà Nội, hai năm gần đây Thủ đô quyết chi 15.900 tỷ cho vấn đề nâng cấp, tôn tạo di tích, tỉ lệ này rất cao.
Tại phiên thảo luận sáng nay, ĐBQH Nguyễn Văn Mạnh (đoàn Vĩnh Phúc) cho biết, trong phạm vi, đối tượng của chương trình có nội dung xây dựng một số Trung tâm văn hóa Việt Nam ở nước ngoài nhưng chưa có mục tiêu cụ thể về nội dung này. Đại biểu đề nghị bổ sung thêm chỉ tiêu đến năm 2030 và 2035 sẽ xây đựng được bao nhiêu Trung tâm văn hóa Việt Nam ở nước ngoài để có kế hoạch triển khai thực hiện.
Tranh luận lại với ĐBQH Nguyễn Văn Mạnh, ĐBQH Nguyễn Lân Hiếu (đoàn Bình Định) cho rằng đề xuất có chỉ tiêu xây dựng các trung tâm văn hóa Việt Nam ở nước ngoài, ý tưởng hay, nhưng không mới.
Đại biểu bày tỏ sự lo lắng việc duy trì phát triển có hiệu quả hay không, vì đầu tư xây dựng một trung tâm ở nước ngoài, đặc biệt ở nước phát triển rất tốn kém, lấy đâu ra người tâm huyết và có trình độ để vận hành các trung tâm này. Nhiệm kỳ là rào cản lớn nhất trong việc xây dựng các chương trình dài hạn và chiều sâu.
"Nếu theo cách làm cũ, chúng ta có thể có những Trung tâm văn hóa ở nước ngoài để cắt băng khánh thành và giải ngân nhưng rồi cũng sẽ "chết yểu" hoặc sống ngắc ngoải như một số trung tâm hiện nay", ông Hiếu bày tỏ.
Do đó, ông kiến nghị nên chăng hỗ trợ các hội đoàn người Việt và nhóm kiều bào tự tổ chức và quản lý các trung tâm văn hóa, thương mại, dịch vụ tại các nước, họ tự trang trải kinh phí bằng các dịch vụ như nhà hàng, ẩm thực, cà phê, siêu thị, hàng hóa...