Khuyến khích, ưu đãi cho các nhà khoa học trẻ là quan điểm xuyên suốt trong chính sách của Đảng và Nhà nước. Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã đặc biệt chú trọng, hỗ trợ cho thế hệ trẻ để họ có môi trường thuận lợi nhất, thỏa sức sáng tạo.
Thước thềm sự kiện Thủ tướng Chính phủ gặp mặt các nhà khoa học trẻ tiêu biểu vào ngày 11/9. Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân đã dành cho PV Chất lượng Việt Nam phỏng vấn về các hỗ trợ, ưu đãi của Nhà nước và nỗ lực của Bộ KH&CN cho các nhà khoa học trẻ.
Thưa Bộ trưởng, xin Bộ trưởng cho biết về những chính sách dành cho các nhà khoa học trẻ, tài năng của Việt Nam?
Bộ trưởng Nguyễn Quân: Việc khuyến khích, ưu đãi cho các nhà khoa học trẻ là quan điểm xuyên suốt trong chính sách của Đảng và Nhà nước. Trong thời gian qua, Bộ KH&CN thấy rằng bên cạnh việc quan tâm đầu tư cho KH&CN, Bộ KH&CN đặc biệt chú trọng đến thế hệ trẻ.
Trong Nghị quyết 20 – NQ/TW tại Hội nghị Trung ương 6 khóa XI có nội dung quan trọng nói về việc quan tâm, hỗ trợ cho cán bộ trẻ. Bộ KH&CN đã thể chế hóa bằng Luật KH&CN năm 2013 trong đó có 3 đối tượng được Đảng, Nhà nước quan tâm, trọng dụng ưu đãi bên cạnh các nhà khoa học đầu ngành thì có các nhà khoa học trẻ tài năng.
Chúng tôi xác định các nhà khoa học trẻ tài năng có độ tuổi dưới 35 tuổi nhưng có sản phẩm khoa học có giá trị đóng góp cho đất nước. Ví dụ như các bằng sáng chế, các bài báo được đăng trên các tạp chí có uy tín, các giải thưởng KH&CN trong nước và nước ngoài, các đề tài nghiên cứu cấp Bộ, cấp Quốc gia đã được ứng dụng đem lại giá trị thiết thực cho nền kinh tế. Sắp tới Bộ KH&CN tổ chức buổi gặp mặt các nhà khoa học trẻ tài năng với lãnh đạo Đảng và Nhà nước.
Bộ trưởng Nguyễn Quân cho biết: Nhà nước đã có nhiều chính sách, tạo mọi thuận lợi cho nhà khoa học trẻ sáng tạo |
Sau khi có Luật KH&CN năm 2013, Bộ KH&CN đã ban hành Nghị định 40 về chính sách trọng dụng, sử dụng cán bộ, trong đó quy định rõ quyền lợi, chế độ ưu đãi đối với các nhà khoa học trẻ.
Các nhà khoa học trẻ có quyền tự chủ, quyền nghiên cứu, quyền được tham dự các hội thảo đúng chuyên ngành của mình ở trong nước và nước ngoài, có quyền được nhận các đề tài nghiên cứu cấp nhà nước và được làm chủ nhiệm các đề tài, quyền được tạo ra các nhóm nghiên cứu mạnh. Chúng tôi đang xây dựng thông tư để hướng dẫn Nghị định 40 do vướng mắc với các Bộ, ngành nên đến nay thông tư chưa được thông qua. Bộ KH&CN sẽ cố gắng ban hành trong thời gian ngắn sắp tới.
Nhiều thanh niên Việt Nam rất giỏi về công nghệ, nhưng lại được các doanh nhân đàn anh trong các công ty công nghệ khuyên các bạn trẻ nếu được thì cứ ở nước ngoài mà làm việc, mà khởi nghiệp, còn về trong nước thì môi trường chưa có để cho các bạn trổ tài? Bộ trưởng nghĩ gì về thực tế này?
Bộ trưởng Nguyễn Quân: Tôi cho rằng lời khuyên đó cũng có ý đúng, bởi vì những người làm khoa học muốn thành công thì phải hội tụ đủ 3 yếu tố: Có thu nhập đủ sống; Điều kiện làm việc để đáp ứng nhu cầu nghiên cứu của họ như phòng thí nghiệm, và đặc biệt có những đồng nghiệp tương thích với họ, tức là có những người hỗ trợ họ, trao đổi học thuật với họ, hướng dẫn họ và đón nhận kết quả nghiên cứu của họ.
Ở Việt Nam, nhiều khi giới quản lý quan niệm đơn giản là trọng dụng người làm khoa học là trả lương cho cao, tuy nhiên những người làm khoa học họ muốn phát triển thì không chỉ có như thế, họ cần môi trường làm việc tốt nhất, những điều kiện làm việc phù hợp. Đối với nhiều bạn trẻ, ở nước ngoài có đầy đủ 3 yếu tố trên.
Trong thời gian sắp tới, chúng tôi cũng nghiên cứu để tạo ra một môi trường giống nước ngoài để thu hút các bạn trẻ có tài năng để trở về với đất nước bằng việc xây dựng mô hình nghiên cứu tiên tiến theo mô hình của thế giới. Ở môi trường đó, các nhà khoa học trẻ sẽ có thu nhập đủ sống, có điều kiện làm việc tốt nhất và có các đồng nghiệp tương thích với mình.
Bộ KH&CN hiện đã có chủ trương nào trong việc xây dựng một hệ sinh thái khởi nghiệp ở Việt Nam hay chưa? Theo Bộ trưởng thì chúng ta nên xây dựng một hệ sinh thái khởi nghiệp của riêng mình, với đặc thù của Việt Nam, hay vay mượn các mô hình đã thành công trên thế giới như Israel chẳng hạn?
Bộ trưởng Nguyễn Quân: Tôi cũng rất tiếc là khái niệm hệ sinh thái làm việc còn rất ít người biết đến, đặc biệt là những người làm quản lý, cho nên người ta không đầu tư đồng bộ để có hệ sinh thái. Họ chỉ nghĩ đến việc giao tiền để nghiên cứu, tạo một số điều kiện nhất định như chế độ tiền lương, thu nhập. Nhưng hệ sinh thái khởi nghiệp để một quốc gia trở thành một quốc gia sinh thái khởi nghiệp thì nó không đơn giản như vậy, nó là cả một thị trường công nghệ đầy đủ trong đó vai trò của nhà nước là điều tiết là cơ chế, chính sách, là tạo điều kiện thuận lợi và hỗ trợ nguồn lực.
Còn trong hệ sinh thái khởi nghiệp trong đó còn có các yếu tố khác nữa như các viện nghiên cứu, các trường đại học, các doanh nghiệp, các nhà đầu tư, và đặc biệt đó là các định chế trung gian để kết nối nguồn cung, nguồn cầu công nghệ cũng như kết nối các nhà đầu tư với các nhà khoa học.
Hiện nay, chúng ta chưa có khái niệm về quỹ đầu tư mạo hiểm mà làm khoa học thì yếu tố đầu tư mạo hiểm là một trong những nhân tố để công nghệ Việt Nam tỏa sáng . Ví dụ như ở Mỹ, Israel thành công cũng là nhờ đầu tư mạo hiểm. Nếu như chúng ta không có hệ thống đầu tư đồng bộ hệ sinh thái như vậy thì chúng ta cũng rất khó để trở thành một quốc gia khởi nghiệp.
Theo VietQ
Xem thêm video:
[mecloud]AcmVEoKmQE[/mecloud]