Cũng là một dạng vấn đề phát sinh trong thực tiễn và không nằm trong luật định nhưng hai vị Bộ trưởng đã lựa chọn hai cách xử lý vấn đề khác nhau.
Trong chương trình “Dân hỏi Bộ trưởng trả lời” phát sóng tối 27/7, Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền đã có những phúc đáp cụ thể về trường hợp của bà Trần Thị M. (83 tuổi, ở quận Bình Thạnh, thành phố Hồ Chí Minh) có chồng và một con trai là liệt sỹ nhưng chưa được phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng.
Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền cho biết: “Pháp lệnh quy định danh hiệu vinh dự nhà nước Bà mẹ Việt Nam anh hùng và Nghị định 56 của Chính phủ có quy định rõ trường hợp có một chồng và một con là liệt sỹ thì được phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Đối với trường hợp của bà M. có một con và chồng là liệt sỹ nhưng đã tái giá thì đến nay chưa được hướng dẫn tại Nghị định 56 này.
Chính vì vậy trong thời gian gần nhất, chúng tôi sẽ phối hợp với Bộ Quốc phòng để tập hợp lại những phản ánh về những vấn đề mà chưa được rõ để có hướng dẫn kịp thời”.
Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền tham gia chương trình Dân hỏi - Bộ trưởng trả lời tối 27/7. Ảnh: VTV. |
Mẹ M. mất chồng, mất con trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, đó là sự mất mát, là tổn thất vô cùng lớn đối với cuộc đời mẹ mà không gì có thể bù đắp nổi. Vậy nhưng, những năm tháng cuối đời của mẹ đang trôi qua trong sự chờ đợi: chờ đợi có một luật định mới quy định những trường hợp giống của mẹ, chờ đợi các cấp thẩm quyền có trách nhiệm “ngồi lại với nhau” để tiến hành các chính sách “rà soát, thống kê” trên toàn quốc, chờ đợi các Bộ “tập hợp lại” những trường hợp như của mẹ để có những hướng dẫn được gọi là “kịp thời”. Theo thủ tục, như thế mới là đủ quy trình, mới đúng trình tự làm việc theo luật định.
Trường hợp giống như của mẹ M. trên cả nước hiện nay không nhiều, vậy tại sao lại phải cần nhiều "ban bệ” và “các bên” ngồi lại rồi mới hy vọng có một hướng giải quyết trong khi hoàn toàn có thể linh động giải quyết một trường hợp mang tính cá biệt thế này. Lãnh đạo nói phải “bàn bạc” và cái sự bàn bạc này chắc chắn cũng phải mất nhiều thời gian. Trong khi đó, chính quyền địa phương thì khẳng định “chỉ cần trên có văn bản hướng dẫn cụ thể thì chính quyền địa phương sẽ giải quyết vấn đề ngay lập tức”.
Vậy là, các bên chính quyền liên quan đều chờ đợi ngập ngừng, cấp dưới đợi cấp trên “chỉ đạo cụ thể”, cấp trên chờ cấp dưới tổng hợp báo cáo, trong khi hồ sơ của mẹ tiếp tục nằm lấp lửng: “không thể khẳng định có thể xét tặng, cũng không thuộc diện bác hồ sơ”. Và sự chờ đợi của mẹ cũng theo đó tiếp tục bị gác lại để chờ… hướng dẫn.
Trở lại câu chuyện “cuộc gọi 2 phút tiết kiệm 20 tỷ đồng” của Bộ trưởng Giao thông vận tải Đinh La Thăng. Trong khi vị Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải linh động chỉ đạo cấp dưới bằng chỉ thị miệng ngay tại chỗ để tháo gỡ nút thắt của vấn đề thì ở đây, Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội lại lựa chọn phương án “đi vòng” với một chặng đường không hề ngắn để giải quyết một vấn đề mà theo đánh giá chung của nhiều người là có thể chỉ đạo ngay tại chỗ. Hai câu chuyện khác nhau nhưng lại có điểm chung là cách điều hành, quản lý, xử lý công việc của các vị lãnh đạo đứng đầu các Bộ.
Thử đặt giả thiết, thay vì thực hiện một cuộc gọi 2 phút giống như Bộ trưởng Đinh La Thăng, Bộ trưởng Chuyền hoàn toàn có thể ra một “chỉ thị miệng” ngay trên sóng truyền hình về việc các cấp chính quyền liên quan phải tiến hành xử lý ngay và khẩn trương vụ việc nêu trên, bởi đây là trường hợp cá biệt.
Thế nhưng, Bộ trưởng Chuyền đã lựa chọn một phương án khác, đồng nghĩa với việc nhà nước sẽ phải “chi” một khoản tiền không nhỏ phục vụ cho công tác điều tra, rà soát, tổng hợp, bàn bạc để thống nhất… những trường hợp cá biệt thế này.
Vậy là, trong khi một sự việc đáng lý ra phải thuộc thẩm quyền của cả Bộ thì người đứng đầu là ông Bộ trưởng đã linh động giải quyết, xử lý; còn một sự việc đáng ra cần người lãnh đạo là bà Bộ trưởng ra quyết định để cấp dưới thực hiện thì lại phải chờ đợi các bên liên quan tổng hợp lại và chờ xử lý.
Thiết nghĩ, Bộ trưởng Chuyền nên tham khảo cách làm Bộ trưởng Thăng để có thể “linh động” hơn trong cơ chế giải quyết các vấn đề phát sinh trong thực tiễn, sao cho có thể giải quyết được nhiều công việc, bớt được những thủ tục rườm rà và tiết kiệm được ngân sách nhà nước.