(ĐSPL) - Chiều nay (15/11), sau khi Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh kết thúc phần trả lời chất vấn, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đã đăng đàn trả lời chất vấn.
Theo thông tin trên báo Hà Nội mới, khoảng 14h45 chiều nay, sau khi Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh kết thúc phần trả lời chất vấn, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà tiếp tục đăng đàn trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội liên quan tới 4 nhóm nội dung chính sau:
Thứ nhất, việc thực hiện chính sách, pháp luật về xử lý chất thải của các cơ sở công nghiệp, dịch vụ, làng nghề, khu dân cư;
Thứ hai, việc xử lý trách nhiệm đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật trong các dự án để xảy ra sự cố môi trường;
Thứ ba, giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu;
Thứ tư, việc quản lý, khai thác tài nguyên, khoáng sản.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà. Ảnh: Quốc Khánh |
Chinhphu.vn đưa tin, trả lời về ứng phó với biến đổi khí hậu ở Đồng bằng sông Cửu Long; chất lượng báo cáo đánh giá tác động môi trường,... Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, kịch bản biến đổi khí hậu 2016 đã được Bộ xây dựng dựa trên số liệu tính toán về nước biển dâng, quá trình sụt lún,... quá trình này sẽ tiếp tục cập nhật số liệu để tính toán kịch bản cụ thể nhất.
Về giải pháp nâng cao chất lượng đánh giá tác động môi trường, Bộ trưởng cho rằng việc xây dựng báo cáo phải dựa trên các số liệu, quy trình công nghệ. Bên cạnh đó các cơ quan quản lý nhà nước cần phải tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra; phân định rõ trách nhiệm, gắn trách nhiệm của cơ quan thanh tra, kiểm tra với các hoạt động giám sát môi trường, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, để nâng cao hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra về môi trường...
Trả lời các vấn đề và chương trình, giải pháp khắc phục và trách nhiệm của Bộ trưởng về: Ô nhiễm môi trường nông thôn, đô thị, làng nghề, ô nhiễm các lưu vực sông; giải quyết sự cố Formosa (giám sát hoạt động doanh nghiệp và triển khai công tác đền bù cho người dân); xử lý chất thải rắn công nghiệp; xử lý trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, trách nhiệm của Bộ trong việc để xảy ra ô nhiễm môi trường; giải pháp để người dân tham gia giám sát vấn đề môi trường...
Bộ trưởng Trần Hồng Hà đồng tình với đánh giá của các đại biểu về thực trạng ô nhiễm môi trường nông thôn, làng nghề, các cụm công nghiệp... Nêu các nguyên nhân, Bộ trưởng nhấn mạnh các giải pháp về quy hoạch sản xuất làng nghề, xử lý chất thải sinh hoạt, chất thải nguy hại; tuyên truyền nâng cao nhận thức, hướng dẫn người dân quy trình công nghệ xử lý chất thải, gìn giữ môi trường; gắn vấn đề môi trường với chương trình xây dựng nông thôn mới;...
Về xử lý trách nhiệm cá nhân khi để xảy ra vấn đề ô nhiễm môi trường, Bộ trưởng cho biết, quy định hiện hành về trách nhiệm trong vấn đề môi trường đã được phân cấp quản lý từ Trung ương, đến địa phương. Tuy nhiên việc phối hợp giải quyết giữa Trung ương và địa phương chưa được quy định rõ, chưa xác định cụ thể trách nhiệm giữa các chủ thể; các quy định cũng được nêu trong nhiều văn bản pháp luật khác nhau... Theo đó cần sửa đổi quy định pháp luật theo hướng phân cấp rõ ràng, gắn quyền hạn với trách nhiệm cụ thể của từng cấp....
Bên cạnh đó, Bộ trưởng cũng trả lời về các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng các báo cáo đánh giá tác động môi trường; giải pháp về vốn, công nghệ để xử lý môi trường các lưu vực sông; môi trường làng nghề; giải pháp ứng phó biến đổi khí khậu, hạn hán, xâm nhập mặn; xử lý hậu quả sự cố môi trường biển do Formosa gây ra và các giải pháp giám sát quá trình vận hành của Formosa trong xử lý chất thải; quản lý các bãi thải công nghiệp...
Nguồn tin từ báo Tài nguyên và Môi trường cho hay, trả lời về tình trạng phân bón giả, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhận định: có vấn đề rất lớn liên quan đến quản lý nhà nước về thị trường phân bón. Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, hiện nay, phân bón vô cơ thì giao Bộ Công Thương quản lý nhưng phân hữu cơ lại Bộ NN&PTNT quản lý.
Để khắc phục tình trạng phân bón giả, Bộ trưởng cho biết Bộ Công thương đã có nhiều đợt phối hợp làm việc và đề xuất Chính phủ giao việc quản lý cho một cơ quan duy nhất. Cùng với đó là việc hoàn thiện hệ thống khuôn khổ pháp lý về chất lượng phân bón. Bộ Công Thương đang xây dựng và hoàn chỉnh bộ quy chuẩn quốc gia về phân bón…
Trả lời phần chất vấn của các đại biểu về các dự án “đắp chiếu”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, Bộ Công Thương đã có đánh giá sơ bộ gửi tới các đại biểu Quốc hội.
Bộ trưởng cho biết: 5 dự án này được đầu tư từ năm 2008 đến nay trong nhiều lĩnh vực: xơ sợi, xăng sinh học, gang thép... Các dự án này đều có chủ tưởng đầu tư kéo dài quá thời hạn so với được phê duyệt. “Như dự án Đạm Ninh Bình không những kéo dài quá trình đầu tư, nhưng tới giờ cũng không tất toán được đầu tư dù đã đi vào vận hành” - Bộ trưởng Trần Tuấn Anh ví dụ.
Về nguyên nhân, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho rằng, các dự án này cũng có điểm chung là thị trường thế giới có biến động: dầu thô từ mức hơn 100 USD một thùng tới hơn 170 USD một thùng, hiện nay chỉ còn trên dưới 40 USD một thùng... đã ảnh hưởng tới hiệu quả đầu tư của dự án. Nên các dự án Xơ sợi Đình Vũ không thể cạnh tranh nổi với các dự án đầu tư của nước ngoài có giá thành rẻ hơn.
Ngọc Linh (tổng hợp)