Dự cảm tốt trong năm 2022
ĐS&PL:Nhìn lại năm 2021 đầy khó khăn, điều gì làm cho Bộ trưởng cảm thấy hài lòng nhất về công tác xây dựng hoạch định chính sách, gỡ khó cho doanh nghiệp, khơi thông nội lực của nền kinh tế? Và nếu còn điều gì trăn trở, xin Bộ trưởng có thể chia sẻ suy nghĩ của mình?
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Khó để có thể nói bản thân hài lòng nhất về chính sách cụ thể nào, nhưng nếu nói về điều làm tôi tâm đắc, tôi muốn chia sẻ về việc trong năm qua, tất cả chúng ta thấy được sự vào cuộc quyết liệt, quyết tâm, trên dưới đồng thuận của cả hệ thống chính trị.
Cùng tất cả các thành phần kinh tế, cộng đồng doanh nghiệp và sự đồng lòng của hơn 90 triệu người dân Việt Nam để cùng với Chính phủ triển khai những quyết sách quan trọng thực hiện mục tiêu kép “vừa phòng chống dịch, vừa phát triển kinh tế”.
Còn nếu nói về sự trăn trở, tôi muốn nói đến sức lực của nhiều doanh nghiệp đã bị bào mòn trong khi tình hình dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp. Việc triển khai một số chính sách còn khá cứng nhắc, thiếu thống nhất ở một số địa phương, gây khó khăn cho đối tượng hỗ trợ.
Trong các kiến nghị các doanh nghiệp đều nhấn mạnh đến vấn đề đơn giản hóa các thủ tục, đảm bảo tính minh bạch, rõ ràng, nhất quán trong thực thi triển khai các quy định, chính sách trên toàn quốc; tính công bằng, minh bạch và thái độ phục vụ sát cánh cùng doanh nghiệp của đội ngũ cán bộ cấp thực thi. Đây là điều doanh nghiệp mong mỏi nhất từ phía các cơ quan chính quyền.
Chính vì lẽ đó, trong thời gian tới, cần có sự vào cuộc quyết liệt, quán triệt quan điểm hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp phát triển, coi việc thực hiện các giải pháp, chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp và khôi phục nền kinh tế là nhiệm vụ trọng yếu, cấp bách.
ĐS&PL:Quá trình phục hồi và phát triển kinh tế trong năm 2022 sẽ gặp không ít thách thức khi nhiều điểm nghẽn, nút thắt cần được giải quyết. Với mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2022 là 6 - 6,5%, dự cảm của Bộ trưởng về triển vọng kinh tế của Việt Nam sẽ như thế nào khi nhiệm vụ sẽ nặng nề hơn và khó khăn hơn?
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Dự cảm trong năm 2022, Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn các nhà đầu tư trong trung hạn. Có nhiều cơ hội cũng như triển vọng để Việt Nam phục hồi kinh tế đạt mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2022 là 6 - 6,5%.
Dù nhiệm vụ khó khăn và nặng nề hơn, song chúng ta càng phải thực hiện tốt, an toàn chiến dịch bao phủ diện rộng cho toàn dân tiêm vắc-xin. Do đó, việc hoàn thành bao phủ vắc-xin chậm nhất vào đầu năm 2022 là một trong những điều kiện tiên quyết để phục hồi và phát triển kinh tế.
Trong năm 2022, Việt Nam cũng sẽ tăng cường khả năng phục hồi thông qua hệ thống trợ giúp xã hội mạnh mẽ và linh hoạt trên cơ sở phân bổ thêm vốn cho các chương trình trợ giúp xã hội. Bên cạnh đó là các chính sách hỗ trợ phát triển tạo động lực kích thích cho cả tổng cung và tổng cầu; củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô và thúc đẩy cải cách thể chế kinh tế sâu rộng hơn, tạo thêm “sức bật” cho doanh nghiệp.
Yếu tố then chốt quyết định sự phục hồi kinh tế
ĐS&PL:Cộng đồng doanh nghiệp đặt nhiều niềm tin vào chương trình mở cửa thích ứng an toàn, phục hồi lại kinh tế. Sự đồng thuận của hệ thống chính trị, doanh nghiệp, người dân có phải là yếu tố then chốt quyết định mức độ hồi phục của kinh tế hay không, thưa Bộ trưởng?
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Điều đáng mừng là khi dịch bệnh căng thẳng, các doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam không chỉ chủ động có những giải pháp linh hoạt tự thích ứng, chia sẻ khó khăn, hỗ trợ lẫn nhau trong sản xuất mà còn có nhiều hoạt động nhằm hỗ trợ người dân, cộng đồng, đóng góp lớn về tài chính vào Quỹ vắc xin phòng, chống Covid-19. Chính vì vậy, tinh thần đoàn kết, sự đồng thuận của toàn bộ hệ thống chính trị, doanh nghiệp, người dân luôn là yếu tố then chốt quyết định mức độ hồi phục của kinh tế trong thời gian tới.
ĐS&PL:Việc tăng cường nội lực cho nền kinh tế là rất quan trọng. Đã có ý kiến nói rằng, muốn đưa Việt Nam trở lại lộ trình phát triển tốc độ cao và hiện thực hóa những khát vọng tương lai thì phải gắn liền với việc thúc đẩy vai trò của khu vực tư nhân trong nền kinh tế. Bộ trưởng nhận định thế nào về vai trò của kinh tế tư nhân trong cơ cấu lại nền kinh tế trong những năm tới?
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Vai trò của khối kinh tế tư nhân đã được thể hiện rõ trong Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2021-2025 và Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 2021-2030. Xuất phát từ vai trò của khu vực kinh tế tư nhân, cụ thể hóa quan điểm, chủ trương của Đảng, Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025 đã đề ra mục tiêu cụ thể quan trọng là phấn đấu đến hết năm 2025 đạt khoảng 1,5 triệu doanh nghiệp.
Trong đó, tỉ trọng đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân vào GDP khoảng 55% và tối thiểu có 5 - 10 sản phẩm quốc gia xây dựng được thương hiệu quốc tế. Chính vì lẽ đó, vai trò của khối kinh tế tư nhân là một trong những động lực rất quan trọng trong phát triển kinh tế.
ĐS&PL:Theo Bộ trưởng, đâu là yếu tố then chốt để việc khơi gợi nguồn lực của kinh tế tư nhân thực sự căn cơ và bền vững?
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Để khơi gợi nguồn lực của kinh tế tư nhân thực sự căn cơ và bền vững, sẽ cần 3 nhóm yếu tố. Thứ nhất, cải cách thể chế để nuôi dưỡng tinh thần kinh doanh, ý chí khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, an tâm đầu tư dài hạn vào sản xuất kinh doanh. Thứ hai là hỗ trợ nâng cao hiệu quả, sức cạnh tranh của kinh tế tư nhân. Và thứ ba chính là tiếp tục cải cách mạnh mẽ kinh tế Nhà nước và doanh nghiệp Nhà nước để tạo sân chơi cho khu vực kinh tế tư nhân.
ĐS&PL:Xin cảm ơn Bộ trưởng!
Thu Huyền
Bài đăng trên ấn phẩm Đời sống & Pháp luật số Tết Nhâm Dần 2022