Chiều 21/8, tiếp tục phiên chất vấn, đại biểu Nguyễn Thanh Phong (đoàn Vĩnh Long) cho biết, hiện còn tồn tại, bất cập về hạ tầng kinh tế xã hội, một số cơ sở còn vi phạm trong chấp hành quy định về phòng cháy, chữa cháy, ý thức, trách nhiệm của một số người dân khi còn chủ quan gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản.
Với những bất cập trên, đại biểu đề nghị Bộ trưởng Bộ Công an cho biết giải pháp để khắc phục trong thời gian tới.
Trả lời, Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang cho biết, do tồn tại của lịch sử, bất cập về cơ sở hạ tầng không theo quy chuẩn, tiêu chuẩn về phòng cháy, chữa cháy. Do vậy cũng không thể khắc phục ngay những tồn tại, hạn chế, đòi hỏi phải có lộ trình trong những giải pháp tổng thể về quy hoạch.
Bên cạnh đó, ông Quang cho hay, công tác rà soát, bổ sung, sửa đổi, xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, các quy chuẩn, tiêu chuẩn về phòng cháy, chữa cháy cũng chưa theo kịp với tốc độ phát triển kinh tế - xã hội.
Về các giải pháp trước mắt, Bộ trưởng Lương Tam Quang cho biết, Bộ Công an sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng tổng rà soát kiểm tra an toàn phòng cháy chữa cháy để đánh giá thực trạng, có các giải pháp giảm thiểu tối đa thiệt hại do cháy nổ gây ra.
Bên cạnh đó, phối hợp với các phương tiện thông tin đại chúng tuyên truyền dành thời gian tuyên truyền, khuyến cáo về kiến thức, kỹ năng phòng, chống cháy nổ.
"Bộ cũng tham mưu trình Chính phủ trình Quốc hội sửa đổi Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu hộ, cứu nạn; dự thảo được Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 7 và dự kiến thông qua tại Kỳ họp thứ 8, khắc phục các hạn chế, thiếu sót trong công tác phòng cháy, chữa cháy", ông Quang cho hay.
Đồng thời phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ xây dựng tiêu chuẩn nhà ở riêng lẻ và các yêu cầu chung đáp ứng yêu cầu về phòng cháy, chữa cháy...
Liên quan đến dự thảo Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, tại phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 8/2024 vừa qua của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thường trực Ủy ban Quốc phòng – An ninh cho biết, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7, cơ quan thẩm tra đã phối hợp với cơ quan soạn thảo thiết kế lại điều khoản chuyển tiếp, tách riêng một điều về xử lý đối với các cơ sở, công trình không bảo đảm yêu cầu về PCCC được đưa vào sử dụng trước ngày luật này có hiệu lực thi hành (Điều 58).
Cụ thể, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có trách nhiệm chỉ đạo tổ chức thực hiện việc phân loại, lập và công bố danh sách cơ sở, công trình không bảo đảm yêu cầu về phòng cháy và chữa cháy tại thời điểm đưa vào hoạt động và không có khả năng khắc phục theo quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật hiện hành hoặc quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật tại thời điểm đưa vào hoạt động trên địa bàn quản lý.
Người đứng đầu cơ sở căn cứ hiện trạng kiến trúc, kết cấu, công năng, thiết bị, dây chuyền sản xuất lựa chọn giải pháp kỹ thuật tương ứng quy định để tăng cường giải pháp kỹ thuật bảo đảm an toàn phòng cháy và chữa cháy;
Chịu trách nhiệm về kết quả thực hiện và báo cáo bằng văn bản gửi cơ quan quản lý trực tiếp về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trước khi đưa vào hoạt động và phải duy trì giải pháp kỹ thuật đã áp dụng trong suốt quá trình hoạt động.
Đối với công trình, cơ sở không thể áp dụng được giải pháp kỹ thuật theo quy định thì phải chuyển đổi công năng phù hợp với quy mô, tính chất hoạt động của công trình, cơ sở.
Dự thảo Luật cũng dự kiến giao Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quy định về cải tạo, chỉnh trang đối với các khu vực có các công trình xây dựng không bảo đảm khoảng cách ngăn cháy, chống cháy lan, hạ tầng giao thông, nguồn nước phục vụ chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ theo quy định của pháp luật, quy chuẩn kỹ thuật về xây dựng, phòng cháy và chữa cháy.
Cơ quan thẩm tra cho rằng quy định như trên là phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và điều kiện thực tế của các chủ thể được giao nhiệm vụ, bảo đảm tính khả thi, thống nhất khi triển khai trên thực tiễn.