Theo kết quả nghiệm thu đề tài "Nghiên cứu giám định di truyền và đánh giá khả năng phát triển của bò lai F1 giữa bò tót và bò nhà", tất cả bò nghi lại đều có bộ nhiễm sắc thể giống bò F1 lai giữa bò tót đực và bò cái nhà.
Theo tài liệu của Vườn quốc gia Phước Bình (Ninh Thuận), khoảng năm 2008 đến 2012, tại vườn xuất hiện một con bò tót đực (tên khoa học Bos gaurus), thường xuyên xuống nương rẫy của dân để giao phối với bò cái nhà. Con bò tót đực này cao khoảng 1,7m, dài hơn 2m và nặng khoảng 1 tấn.
Con bò tót này đã giao phối với bò cái nhà ở địa phương và cho ra đời 20 con bò lai (F1).
Đầu năm 2012, sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) 2 tỉnh Ninh Thuận và Lâm Đồng thực hiện đề tài liên tỉnh “Nghiên cứu giám định di truyền và đánh giá khả năng phát triển của bò lai F1 giữa bò tót và bò nhà tại vùng rừng giáp ranh giữa 2 tỉnh Ninh Thuận và Lâm Đồng” với kinh phí hơn 1,9 tỉ đồng (mua lại 10 con bò tót F1 của người dân, trong đó cso 5 con đực và 5 con cái).
Con bò tót F1 gầy trơ xương khác xa với vẻ cường tráng ban đầu. Ảnh: Vietnamnet |
Theo kết quả nghiệm thu đề tài trên, tất cả bò nghi lai đều có bộ nhiễm sắc thể giống bò F1 lai giữa bò tót đực và bò cái nhà. Trong đó, có 1 trường hợp con lai thế hệ thứ 2 (F2) đầu tiên tính cả quần đàn do bò cái F1 lai lui với bò đực nhà và đã được xác định chính xác bộ nhiễm sắc thể cân bằng. Điều này đặc biệt có giá trị khoa học và thực tiễn. Trong năm 2015, nhóm nghiên cứu đã sử dụng bò đực F1 phối giống trực tiếp với bò cái F1 nhằm tạo ra đàn bê lai F2 có 50% máu bò tót.
Sau đó trung tâm ứng dụng khoa học công nghệ Lâm Đồng tiếp tục kế thừa chủ trì thực hiện đề tài cấp quốc gia: “Khai thác và phát triển nguồn gen bò quý hiếm tại vùng giáp ranh 3 tỉnh Ninh Thuận – Lâm Đồng – Khánh Hòa” với tổng kinh phí hơn 3 tỉ đồng; đề tài thực hiện đến tháng 6/2019 thì kết thúc. Đề tài này do ông Lê Xuân Thám (nguyên giám đốc sở KH&CN tỉnh Lâm Đồng) làm chủ nhiệm đề tài.
Đề tài này tập trung nghiên cứu thực hiện cho bò đực F1 lai bò tót phối giống trực tiếp với các bò cái Barahman, lai Red Angus; đánh giá các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật của thế hệ bò có 25% máu bò tót được sinh ra từ các bò F1 để làm giống, cho sinh sản với bò nhà nhằm tạo ra giống bò hướng thịt của Việt Nam có khoảng 12,5% máu bò tót, có khả năng cho năng suất, chất lượng thịt cao, khả năng sử dụng tốt thức ăn thô xanh trong điều kiện chăn nuôi thông thường và có khả năng đề kháng cao. Trên cơ sở đó xây dựng thương hiệu bò đặc sắc cho vùng Lâm Đồng - Ninh Thuận - Khánh Hòa.
Thức ăn chính của bò tót là rơm khô. Ảnh: Thanh Niên |
Tuy nhiên, đến nay những con bò cái F1 của dự án vẫn chưa sinh sản. Trong khi đó, một con đực F1 thoát đàn ra giao phối với bò cái của người dân địa phương đã cho ra đời một con lai F2. Dự án đã mua con F2 này đưa vào nuôi trong trại thực nghiệm.
Khi dự án kết thúc vào tháng 11/2019, cả 11 con bò tót lai được trung tâm ứng dụng khoa học công nghệ Lâm Đồng thuê người nuôi giữ tại thôn Bạc Rây 2, xã Phước Bình, huyện Bác Ái, tỉnh Bình Thuận. Tuy nhiên, 11 con bò này hiện đang ốm đói, gầy trơ xương.
Liên quan đến sự việc, UBND tỉnh Lâm Đồng cũng đã có công văn chỉ đạo sở KH-CN tỉnh Lâm Đồng họp bàn với các cơ quan chức năng của tỉnh Ninh Thuận, về việc bàn giao, nuôi dưỡng, quản lý đàn bò cho Vườn Quốc gia Phước Bình.
Hoàng Yên (T/h)