Một người chơi tem ở An Giang đang sở hữu bộ tem quý có giá trị lịch sử, thể hiện trọn vẹn quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.
Bộ tem quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa do ông Huệ lưu giữ. Ảnh: T.D |
Ông Trần Hữu Huệ (64 tuổi), ngụ thị trấn Núi Sập, huyện Thoại Sơn (An Giang) là người nổi tiếng trong giới sưu tập tem. Hơn 40 năm cất công sưu tập các con tem xưa, ông đã lưu giữ được nhiều bộ tem quý hiếm, trong đó có bộ tem về quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.
Ông Huệ cho biết, bộ tem này gồm 2 mẫu khổ 43x32mm, in ốp sét hai màu và được in vào đầu năm 1988 tại Xí nghiệp in tem Bưu Điện. Họa sĩ Trần Lương là người thiết kế bộ tem này, trong đó mẫu tem mệnh giá 10 đồng/tem thì chân tem chạy dòng chữ đậm “Đội Hoàng Sa thế kỷ VXII, XVIII”, trên đó vẽ hình chiếc thuyền 3 cánh buồm lướt biển căng gió, hình người lính hải đội nhà Nguyễn tư thế khí phách, miệng thổi tù và bằng ốc biển, tay cầm mái chèo, trên tem còn chạy dòng chữ tháng 3 đi tháng 8 về... Còn mẫu tem mệnh giá 100 đồng/tem thì chân tem chạy dòng chữ đậm “Hoàng Sa và Trường Sa trong các bản đồ cổ”, thể hiện bản đồ đất nước VN cùng vùng biển, đảo và hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa trong khu vực Ðông Nam Á, bên phải cận cảnh hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, phía dưới là dòng chữ “Ðại Nam nhất thống toàn đồ”...
Theo ông Huệ, hai mẫu tem này tới năm 2005 được định giá 143.000 đồng/mẫu. Ông Huệ cho biết, ông đã tra từ điển danh mục Tem bưu chính VN 1945 - 2005 nhưng chỉ ghi chú hai mẫu tem trên in 100 tem/tờ. Vì thế, đến nay nhiều nhà sưu tập tem vẫn không rõ lúc đó số lượng phát hành bộ tem này là bao nhiêu con. Riêng phần ông Huệ sưu tập được 10 con tem sống cho mẫu tem Đội Hoàng Sa, 10 con tem sống cho mẫu Hoàng Sa và Trường Sa trong các bản đồ cổ.
Bì thư có dán mẫu tem Đội Hoàng Sa số lượng rất ít |
Nhưng với giới chơi tem, những con tem chết dán trên phong bì luôn quý giá. Về phần này, ông Huệ đã sưu tập được 20 bì thư có dán hai mẫu tem đã được bưu chính đóng dấu nhật ấn. Lục lại các bì thư có dán hai mẫu tem quý được cất giữ cẩn thận, ông Huệ kể có những bì thư đề tên người nhận ở tỉnh Đồng Tháp, có bì thư đề người nhận ở Quảng Nam, Đà Nẵng. Ông kể: “Để sở hữu được các bì thư này, tôi đã tốn nhiều công sức và thời gian tìm kiếm những người sở hữu chúng. Sau đó phải thuyết phục, năn nỉ và trao đổi bằng những con tem hay món đồ quý thì họ mới chịu nhượng lại”.
Theo ông Huệ, những năm về trước, VN có nhiều con tem in quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, nhưng bộ tem do họa sĩ Trần Lương thiết kế thể hiện gần như trọn vẹn đảo Hoàng Sa và Trường Sa nên giới chơi tem rất quý chúng. Ông Huệ tự hào cho biết, cá nhân ông đã dùng các con tem ráp lại thành bản đồ VN và cẩn thận chọn mỗi con tem tượng trưng cho các vùng miền. Với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, ông đã dùng 2 mẫu tem quý đặt trang trọng ngay vị trí biển đảo.
Theo ông Huệ, hiện số người lưu giữ bì thư có dấu nhật ấn của mẫu tem Đội Hoàng Sa rất hạn chế nên nó rất có giá trị trong sưu tập tem. "Con tem rất nhỏ, một nét chấm phá trên đó đòi hỏi mỹ quan và sự tinh tế của người thiết kế, nhưng bộ tem của ông Trần Lương đã thể hiện được quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa rất tuyệt, đó là thể hiện trên con tem một dải 29 hòn đảo với tên chung “Hoàng Sa, Vạn Lý Trường Sa”, ông Huệ nói.