Trong năm 2017, số lượng xe công dư thừa sẽ lên tới hàng ngàn chiếc.Bộ Tài chính đã sớm lên phương án xử lý số xe công dư thừa này.
Báo Dân Trí cho hay, theo các thông tin đã được công bố trong năm 2017, số lượng xe công dư thừa sẽ lên tới hàng ngàn chiếc. Riêng số xe phục vụ chung, theo Bộ Tài chính, sẽ giảm từ hơn 17.000 xe hiện nay xuống còn khoảng hơn 8.000 xe. Như vậy, sẽ có khoảng hơn 8.000 ô tô công được đưa ra bán, xử lý, cộng với khoảng hơn 1.000 xe cần thanh lý trong quá trình rà soát vừa qua.
Với chi phí đầu tư cho việc quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước hiện nay khoảng 320 triệu đồng/năm thì số tiền lãng phí là khá lớn.
Do đó, Bộ Tài chính đã sớm lên phương án xử lý số xe công dư thừa này.
Bộ Tài chính đang lên phương án xử lý hàng nghìn xe công dư thừa gây lãng phí lớn. |
Cụ thể, đối với các xe đủ điều kiện thanh lý, Bộ Tài chính hướng dẫn: Sẽ tiến hành bán đấu giá công khai chứ không áp dụng hình thức bán chỉ định. Đối với các loại xe được chuyển hình thức xử dụng từ xe dùng chung sang xe chuyên dùng cần tuân thủ theo quy định về tiêu chuẩn, định mức đã được các cấp thẩm quyền ban hành theo quy định.
Trong trường hợp các bộ ngành, địa phương có nhu cầu điều chuyển xe công từ nơi thừa sang nơi thiếu cần tính toán thận trọng trên cơ sở tiêu chuẩn, định mức được phân bổ, nhằm đảm bảo hiệu quả sử dụng tài sản Nhà nước theo quy định.
Đối với trường hợp, xe chưa đủ điều kiện thanh lý nhưng không đủ điều kiện chuyển từ xe chung sang xe chuyên dùng hoặc thời điểm xử lý không được cơ quan, tổ chức đơn vị đề nghị tiếp nhận… thì có thể được đem bán. Tuy nhiên, việc bán cần được thực hiện theo hình thức đấu giá công khai, không chấp nhận hình thức chỉ định; đồng thời số tiền thu được từ việc bán xe công dư thừa cần được thực hiện theo quy định của pháp luật.
Liên quan đến sựu việc, theo Thời báo tài chính Việt Nam, Bộ Tài chính đang gửi xin ý kiến dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định tiêu chuẩn, định mức và chế độ quản lý, sử dụng xe ô tô trong cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước (thay thế Quyết định số 32/2015/QĐ- TTg (QĐ 32) ngày 4/8/2015).
Theo Bộ Tài chính, sau khi tiếp thu ý kiến của các bộ, ngành, địa phương, để đảm bảo sử dụng hiệu quả số lượng xe công đã trang bị (tránh tình trạng xe đã trang bị, không sử dụng phải tốn chi phí để duy trì xe), nhưng vẫn phải thanh toán chi phí khoán; đồng thời, để phù hợp với tình hình thực tế tại các bộ, ngành, địa phương, Bộ Tài chính đã trình Thủ tướng Chính phủ một số phương án khoán kinh phí sử dụng xe ô tô để các bộ, ngành, địa phương lựa chọn phương thức phù hợp.
Theo đó, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc chính phủ, tập đoàn kinh tế, UBND cấp tỉnh xem xét, quyết định phương án khoán và mức khoán kinh phí trên nguyên tắc: Tổng chi phí cho sử dụng xe không cao hơn chi phí sử dụng xe của năm trước liền kề (khi chưa áp dụng khoán). Đồng thời, phải đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả hơn việc trang bị xe ô tô theo tiêu chuẩn, định mức tại Quyết định này.
Trường hợp tất cả các chức danh có tiêu chuẩn sử dụng xe ô tô áp dụng khoán kinh phí sử dụng xe thì cơ quan, tổ chức, đơn vị đó không thực hiện trang bị xe ô tô. Trường hợp chỉ có một hoặc một số chức danh có tiêu chuẩn sử dụng xe nhận khoán kinh phí, thủ trưởng cơ quan quyết định việc khoán kinh phí trên nguyên tắc chi phí khoán và chi phí sử dụng xe không cao hơn chi phí sử dụng xe ô tô trước khi thực hiện khoán.
Về mức khoán kinh phí, căn cứ tình hình thực tế, các bộ, ngành, địa phương xem xét, quyết định mức khoán khi đi công tác của các chức danh có tiêu chuẩn sử dụng xe theo 1 trong 2 phương án.
Phương án 1 (khoán gọn): Căn cứ khoảng cách đưa đón, tần suất đi công tác của chức danh, khoảng cách và đơn giá dịch vụ vận chuyển của phương tiện tương đương trên thị trường tại địa phương để xác định mức khoán cụ thể.
Phương án 2 (chi phí thực tế): Thanh toán theo hóa đơn dịch vụ của phương tiện vận tải tương đương.
Mỹ AN (T/h)