Dự thảo chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh năm 2023 đang được Bộ Tư pháp tổng hợp lấy ý kiến; trong đó có đề xuất sửa đổi Luật Thuế bảo vệ môi trường.
Theo Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính đã đề nghị điều chỉnh khung mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu, mỡ nhờn nói chung. Cụ thể, Bộ Tài chính đề xuất sửa khung thuế bảo vệ môi trường với xăng theo hướng giữ mức thuế tối thiểu hiện hành là 1.000 đồng/lít và tăng mức thuế tối đa lên hơn 4.000 đồng/lít.
Riêng đối với dầu hỏa, Bộ này đề nghị giữ khung thuế bảo vệ môi trường như hiện hành vì dầu hỏa là mặt hàng thiết yếu phục vụ cho đa số người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa. Ngoài ra, đề nghị đổi đơn vị tính đối với dầu mazut từ “lít” thành “kg” cho phù hợp với thực tế.
Hiện nay, khung thuế bảo vệ môi trường đối nhóm xăng, dầu, mỡ nhờn được quy định là xăng, trừ etanol là 1.000-4.000 đồng/lít; nhiên liệu bay là 1.000-3.000 đồng/lít; dầu diesel là 500-2.000 đồng/lít; dầu hỏa là 300-2.000 đồng/lít; dầu mazut là 300-2.000 đồng/lít; dầu nhờn là 300-2.000 đồng/lít và mỡ nhờn là 300-2.000 đồng/kg.
Mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu (trừ dầu hỏa) đã bằng mức tối đa trong khung thuế. Tuy nhiên, giai đoạn từ ngày 1/8/2020 đến hết ngày 31/12/2023 mức thuế này đối với xăng, dầu, mỡ nhờn được giảm để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trước bối cảnh dịch COVID-19, góp phần kiềm chế lạm phát.
Sang năm 2024, thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu, mỡ nhờn sẽ trở lại mức trần của biểu khung thuế, tức xăng là 4.000 đồng/lít; nhiên liệu bay là 3.000 đồng/lít; dầu diesel, dầu mazut, dầu nhờn là 2.000 đồng/lít; dầu hỏa là 1.000 đồng/lít; mỡ nhờn là 2.000 đồng/kg.
Theo Bộ Tài chính, việc điều chỉnh khung thuế theo định hướng nêu trên sẽ góp phần đảm bảo thuận lợi trong công tác điều hành nhằm chủ động ứng phó khi giá xăng dầu thế giới biến động mạnh. Phù hợp với xu hướng điều chỉnh tăng thuế đối với các sản phẩm nhiên liệu hóa thạch của các nước để thực hiện cam kết quốc tế về giảm mức phát thải ròng.
Khi giá xăng dầu thế giới tăng cao, để góp phần kiềm chế lạm phát thì thực hiện điều hành mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn ở mức sàn như hiện hành. Khi phải thực hiện cắt giảm thuế nhập khẩu theo cam kết quốc tế cũng như phải thực hiện biện pháp mạnh để giảm mức thải ròng về 0 vào năm 2050 theo cam kết của Chính phủ tại COP26 thì thực hiện điều chỉnh tăng mức thuế này với xăng, dầu, mỡ nhờn cho phù hợp.
Ngoài ra, để khuyến khích hơn nữa việc sản xuất, nhập khẩu xăng sinh học (sản phẩm ít gây ô nhiễm hơn so với xăng gốc hóa thạch), Bộ Tài chính kiến nghị áp dụng mức thuế ưu đãi cho mặt hàng này.
Bạch Hiền (t/h)