GS. Nguyễn Anh Trí - Viện trưởng viện Huyết học và Truyền máu Trung ương nhìn nhận vấn đề người mẹ sinh con ra rồi bỏ mặc con lại cho xã hội là vấn đề nghiêm trọng. Bản thân phê phán điều đó nhưng giáo sư cũng có sự cảm thông với người mẹ trong cơn bế tắc...
Những đứa trẻ bị bỏ rơi
Sinh non, con được 1,4kg nhưng khi con chưa đầy 2 ngày tuổi và vẫn đang được nuôi trong lồng kính, người mẹ trẻ đã để bé ở lại khoa Nhi, bệnh viện Đa khoa Hà Đông (Hà Nội) rồi đi biệt tăm mà không để lại chút thông tin liên lạc nào. Mọi người chỉ biết, bé tên Quàng Thị Thông và mẹ bé là Quàng Thị Liên, quê ở Sơn La.
Chỉ vài ba ngày sau, câu chuyện về một bé trai mới khoảng 5 ngày tuổi được mẹ ruột trao tay một người phụ nữ khác tại viện Huyết học và Truyền máu Trung ương với lý do nhờ bế con để đi vệ sinh, sau đó người phụ nữ này cũng không quay trở lại, một lần nữa khiến dư luận bất bình.
Bé Quàng Thị Thông hiện đang được các bác sĩ khoa Nhi, bệnh viện Đa khoa Hà Đông chăm sóc. |
Một chút thông tin về người phụ nữ đó cũng như bé trai bị bỏ rơi đều không có. Thậm chí gương mặt người mẹ cũng không ai biết vì thời điểm nhờ người khác bế hộ con, họ bịt kín mặt.
Và bé được phòng Công tác xã hội của viện Huyết học và Truyền máu Trung ương tiếp nhận, cử người chăm sóc 24/24h. GS.Nguyễn Anh Trí – Viện trưởng đặt tên bé là Nguyễn Phước Đặng với lời cầu mong cho bé gặp được điều tốt lành, lớn lên khỏe mạnh, hạnh phúc, có nhiều thành công và giúp ích cho đời, cho xã hội; đồng thời ai nuôi cháu cũng gặp may mắn.
GS.Nguyễn Anh Trí nhìn nhận vấn đề người mẹ sinh con ra rồi bỏ mặc con lại cho xã hội là vấn đề nghiêm trọng. “Tôi không hài lòng, thuần túy là tôi phê phán việc đó”, GS. Nguyễn Anh Trí nói.
Khơi dậy lòng trắc ẩn của người mẹ
Dẫu biết, hiện tượng bỏ con không phải chuyện mới, hiếm, nhưng Giáo sư cho rằng, từ vài hiện tượng này mà nói đó là dấu hiệu của xã hội suy đồi thì hơi nặng.
“Đây là một hành động nông nổi, bồng bột, một sang chấn quá lớn trong cuộc đời, hoặc trong thế cùng quẫn của nhiều bà mẹ nhất là các bà mẹ trẻ, những bà mẹ sinh con không theo ý của mình. Cũng có thể những người phụ nữ ấy không tìm được lối thoát nào ngoài lối thoát này. Như vậy đồng lòng thì tất nhiên tôi không đồng lòng nhưng chúng ta cũng không nên lên án mà chỉ dừng ở mức phê phán.
Điều quan trọng nhất cần làm là hướng tới việc tích cực giáo dục người phụ nữ về lòng trắc ẩn, về tình mẫu tử hay trách nhiệm của người mẹ trước sinh linh bé nhỏ; tích cực làm cho các bà mẹ trẻ nhận thức được, bỏ rơi con, đó là việc làm trái với đạo lý, trái với pháp luật, rất cần được ngăn chặn”, GS.Nguyễn Anh Trí nhấn mạnh.
Hơn nữa, bản thân Giáo sư cũng cho rằng, việc bỏ con lại ở những nơi công cộng là hành động muốn xóa đi dấu tích của sự lầm lỡ trong cuộc đời của người phụ nữ. Đó cũng có thể là một bế tắc, đặc biệt bế tắc về kinh tế. Tất cả những thực tế đó tựu trung lại chính là hồi chuông cảnh báo vấn đề đạo đức.
“Còn trong vấn đề chung của toàn xã hội, cá nhân tôi cũng mong muốn các bà mẹ trẻ dù có thể là sai lầm theo cách nào, khó khăn ở mức độ nào nhưng đừng bỏ rơi con mình vì như thế là trái với đạo đức và lương tâm. Nỗi đau đớn, sự dằn vặt này chắc chắn sẽ theo hết cả cuộc đời người phụ nữ đó”, GS.Nguyễn Anh Trí cho hay.
Chuyên gia tâm lý Lê Thị Túy cũng đặt ra câu hỏi về trách nhiệm xã hội, tình cảm gia đình, tình thương con người... Tất cả những cái đó cộng lại làm cho người ta bỏ một đứa con nhẹ nhàng để dứt bỏ đi quá khứ.
“Xã hội bây giờ sống ít trách nhiệm với nhau, là một xã hội trong đó có nhiều người coi nhẹ việc bỏ con hay nạo phá thai hoặc ngó lơ một đứa trẻ nhỏ, thậm chí mang con đi tự tử cùng mình...”, chuyên gia Lê Thị Túy cảnh báo.
Nguyễn Huệ