+Aa-
    Zalo

    Bỏ quên rác thải nông thôn

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Theo thống kê của Viện Môi trường Nông nghiệp Việt Nam, mỗi năm tại các khu vực nông thôn ở nước ta phát sinh trên 13 triệu rác thải sinh hoạt.

    Không phải ở những khu đô thị, những khu dân cư đông đúc, ở các thành phố lớn, tình trạng rác thải tràn lan chưa được xử lý triệt để đang xảy ra ở nhiều khu vực nông thôn nước ta hiện nay mới thực sự là một nguy cơ về ô nhiễm môi trường nhưng lại chưa nhận được sự quan tâm cũng như đầu tư hợp lý của mọi người. Đáng chú ý, nhiều nơi do ý thức người dân, địa hình rộng lớn… nên nhiều người còn coi nhẹ, chưa quan tâm đúng mức tới tình trạng ô nhiễm do rác thải mang lại. Hơn nữa, hầu hết các khu dân cư ở nông thôn chưa có nơi xử lý rác thải đúng quy định hoặc có thì lại nằm biệt lập, khó vận chuyển rác tới đó để xử lý.
    Chưa quan tâm đúng mức
    Theo thống kê của Viện Môi trường Nông nghiệp Việt Nam, mỗi năm tại các khu vực nông thôn ở nước ta phát sinh trên 13 triệu rác thải sinh hoạt. Trong số đó có khoảng 1,3 triệu mét khối nước thải và có tới 7.500 tấn vỏ bao thuốc bảo vệ thực vật như các loại chai lọ đựng thuốc, các gói đựng thuốc… Các loại chất thải này hầu hết thải trực tiếp ra môi trường xung quanh gây ô nhiễm môi trường. Ngoài ra, hàng năm có khoảng 16.700 trang trại chăn nuôi thải ra hàng chục triệu tấn chất thải các loại vào môi trường đất, nước, không khí. Bên cạnh đó còn có 5.000 nhà máy chế biến nông, lâm sản thải ra một khối lượng khí lỏng và chất thải rắn khổng lồ. Có thể dễ dàng nhận thấy rằng, hầu hết rác thải ở nông thôn đều là những loại rác thải độc hại và khó tiêu hủy đối với môi trường sống. Vì vậy, tác hại của nó trực tiếp đối với người dân và hệ sinh thái động thực vật khác là cực lớn, gây nguy hại về lâu dài.
    Bên cạnh đó, có một thực tế đang xảy ra tại khu vực nông thôn hiện nay là, mặc dù đất rộng nhưng lại không quy hoạch được các bãi rác tập trung, không có bãi rác công cộng, không quy định chỗ tập trung rác, không có người và phương tiện chuyên chở rác, do vậy mỗi hộ gia đình phải tự xử lý rác thải của mình. Nhìn chung, đa phần người dân nông thôn vẫn chưa hình thành được ý thức cũng như thói quen tập kết, xử lý rác thải. Hoặc nếu có xử lý, thì các phương pháp đều khá đơn giản và chưa được cho là an toàn với môi trường và hệ sinh thái xung quanh.
    Theo tìm hiểu, do thói quen sinh hoạt lâu đời, những nơi tập kết khá nhiều rác của các vùng quê đó là các khu chợ làng, khu đất trống cuối làng hay các bãi đất ruộng trống. Hầu hết các chợ ở nông thôn đều là chợ tạm bởi vậy rất ít chợ có thể xây dựng được hố rác cho mình. Mà nếu xây được hố rác thì khi rác trong hố đầy đều không biết đưa đến đâu để xử lý nên chỉ còn một cách, đó là… đốt. Mỗi khi ban quản lý chợ đốt rác thì cư dân quanh chợ chỉ còn nước đóng chặt cửa, cố thủ trong nhà vì sản phẩm của hàng trăm thứ cháy khét bốc mùi. Có lẽ, xử lý bằng cách đốt rác thải là cách mà hầu hết các hộ dân hoặc các vùng nông thôn đang làm hiện nay. Tuy nhiên, có rất nhiều loại rác thải không bị phân hủy hoặc không xử lý được bằng cách này. Và đó chính là nguy cơ tiềm ẩn. Hiện rất ít vùng nông thôn có thể tự xây dựng được bãi rác riêng cho mình do kinh phí và dây truyền xử lý rất cao. Quỹ đất dành cho sản xuất ngày càng bị thu hẹp lại nên dành một diện tích đất cho dân đổ rác cũng là một vấn đề nan giải đối với từng địa phương. Nhưng khi đã có bãi rác thì việc thay đổi thói quen đổ rác bừa bãi của những người nông dân này cũng không phải là việc có thể làm trong một sớm một chiều. Một số địa phương đã quy hoạch được bãi đổ rác chung nhưng việc vận chuyển rác trong từng khu dân cư đến bãi rác cũng là vấn đề nan giải. Diện tích rộng không có xe rác để tập trung, không có xe chuyên dụng để vận chuyển rác thải cũng khiến cho việc tập kết rác thải là vô cùng khó khăn.
    Hậu quả của tình trạng rác thải nông thôn bừa bãi và tràn lan như hiện nay thì ai cũng biết. Đó chính là việc môi trường sống của chính người nông dân đang bị đe dọa. Từ những ao làng, sông ngòi, đường sá, đồng ruộng… đang bị ảnh hưởng rất nhiều. Cụ thể, chỉ tính riêng hệ sinh thái được cho là tương đối xanh sạch như ở nông thôn cũng đang bị đe dọa nghiêm trọng. Nếu trước đây, những loài thủy hải sản thường xuất hiện rất nhiều ở nông thôn thì hiện nay, chúng hầu như không còn nữa vì môi trường đã bị ô nhiễm. Đó không chỉ là vấn đề tài nguyên thủy sản mà xét một cách lâu dài, hệ quả của việc nhiều loài trong chuỗi hệ sinh thái sống ở nông thôn bị suy giảm, cạn kiệt cũng ảnh hưởng rất lớn tới đời sống của con người. Còn nguy hại hơn, tại nhiều địa phương, khi mà lượng chất thải quá lớn có thể dẫn tới các loại dịch bệnh, ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe con người. Đó là các căn bệnh hô hấp, bệnh đường ruột, bệnh ung thư… đang ngày một xuất hiện nhiều hơn ở nông thôn, do những hóa chất độc hại mà con người vô tình hay cố ý thải ra môi trường.
    Những giải pháp cấp bách
    Có thể nói, tình trạng rác thải nông thôn trong vài năm trở lại đây đang trở thành một vấn đề cực kỳ đáng báo động, gây lên nhiều mối lo lắng, ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống, sức khỏe, môi trường an sinh xã hội của người dân. Vì vậy, hướng giải quyết cũng như giải pháp cụ thể, kịp thời để xử lý và ngăn chặn tình trạng này là khá cấp bách, cần phải tiến hành trong thời gian sớm nhất có thể.
    Theo các chuyên gia môi trường, hiện nay, để giải quyết triệt để tình trạng ô nhiễm rác thải ở nông thôn, trước hết, cần phải phân loại các loại rác. Theo đó, rác thải ở nông thôn rất đa dạng, có nhiều tác hại cũng như cách xử lý cũng khác nhau. Thực tế, nếu là rác thải rắn thì phải có những biện pháp thu gom và xử lý theo một cách riêng. Rác thải lỏng, rác thải thô và các loại rác thải sinh hoạt. Tất cả phải được phân loại cụ thể thì mới có thể xử lý được chứ không thể có một cách nào có thể xử lý tất cả các loại rác được. Vậy nhưng, đây là vấn đề cực kỳ khó khăn vì kinh phí, ý thức, con người chưa có.
    Ngoài ra, nhiều địa phương còn cho biết, tình trạng rác thải nông thôn đang ngày càng trở thành một vấn đề báo động là do sự tăng của dân số, sự phát triển của xã hội và rất nhiều loại hàng hóa xuất hiện ngày một nhiều ở những khu vực nông thôn. Hơn nữa, những hệ thống đường giao thông nông thôn đã ngày càng rút ngắn khoảng cách giữa thành thị và nông thôn khiến cho nhiều loại hàng hóa lưu thông mạnh, gây ra hậu quả là rác thải ở đây cũng tăng thêm. Điều này làm cho lượng rác thải ở nông thôn đang tăng nhanh một cách chóng mặt, vượt qua sự kiểm soát của chính quyền địa phương. Vì vậy, từ khu vực được cho là lý tưởng và an toàn về các chỉ số môi trường, hiện nay nông thôn Việt Nam đang được báo động về sự ô nhiễm. Nó lan nhanh và làm tê liệt nhiều hoạt động, nhất là đời sống của những người nghèo. Vì vậy, tất cả mọi người cần phải có những biện pháp triệt để cùng chung tay giải quyết tình trạng này.
    Bên cạnh đó, quan trọng và cần thiết nhất vẫn là ý thức của người dân ở nông thôn và thói quen xấu về rác thải cần phải xóa bỏ. Hơn nữa, các chế tài để kiềm chế những hành động xả rác có quy mô lớn ở nông thôn cũng cần phải được đưa ra, nhằm tránh tình trạng người dân biết là ô nhiễm môi trường nhưng vẫn cố tình xả rác, gây nguy hại tới hệ sinh thái và môi trường sống xung quanh. Đây là những giải pháp khó khăn nhưng hoàn toàn khả thi và cơ bản nhất để giải quyết vấn nạn rác thải đang gây ô nhiễm ở hầu hết các địa phương nông thôn nước ta.
     Đoàn Đại Trí
    CHÚNG TÔI TIẾP NHẬN TẤT CẢ CÁC THÔNG TIN PHẢN ÁNH VỀ VẤN ĐỀ MÔI TRƯỜNG CỦA BẠN ĐỌC 24/24H
    LIÊN HỆ: VIỆN NGHIÊN CỨU MÔI TRƯỜNG VÀ CÁC VẤN ĐỀ XÃ HỘI\_PHÂN VIỆN PHÍA NAM
    ĐỊA CHỈ: 58 Nguyễn Phi Khanh, Phường Tân Định, Quận 1
     HOTLINE: 0988.66.66.88 - - 08.6683.7519 
    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/bo-quen-rac-thai-nong-thon-a48751.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan
    Ô nhiễm môi trường vì xe quá đát

    Ô nhiễm môi trường vì xe quá đát

    Hiện nay, cùng với tình trạng di dân quá nhiều khiến các khu đô thị lớn ở nước ta như Hà Nội, TP HCM, Biên Hòa… đang là nơi tập trung quá nhiều phương tiện giao thông.