(ĐSPL) - Bỏ nhà đi lang thang, 4 đối tượng thuê phòng trọ ở và đi trộm cắp cà phê để kiếm tiền tiêu xài cá nhân.
Theo báo Thanh niên, sáng 28/11, Công an H.Bảo Lâm cho biết 4 đối tượng bị Đội Cảnh sát hình sự (Công an H.Bảo Lâm) bắt giữ gồm: Nguyễn Văn Tú (21 tuổi), K’Choan (16 tuổi, cùng ngụ tại thị trấn Lộc Thắng); Ngô Văn Hướng (20 tuổi, ngụ tại thôn 2, xã B’Lá) và một đối tượng tên Sơn, ngụ tại TP.Bảo Lộc để điều tra hành vi trộm cắp tài sản.
Báo Dân trí thông tin, trước đó, nhận được nguồn tin từ quần chúng nhân dân, thời gian gần đây trên địa bàn xã B’Lá và thị trấn Lộc Thắng (Bảo Lâm, Lâm Đồng) xảy ra nhiều vụ trộm cắp cà phê, lực lượng chức năng huyện Bảo Lâm đã vào cuộc điều tra và bắt giữ 4 nghi can.
Sau khi thực hiện lệnh bắt, tại cơ quan công an, 4 đối tượng khai nhận đều bỏ nhà đi lang thang, thuê phòng trọ ở và đi trộm cắp cà phê để kiếm tiền tiêu xài.
Trong thời gian từ đầu tháng 11/2016 đến nay, các đối tượng này đã thực hiện trót lọt 4 vụ trộm cắp cà phê của người dân tại xã B’Lá và thị trấn Lộc Thắng (Bảo Lâm), với tổng cộng gần 20 bao cà phê khô ( khoảng 1 tấn) sau đó bán lấy tiền chia nhau tiêu xài.
Nhóm đối tượng đã trộm khoảng 1 tấn cà phê của người dân - Ảnh minh họa |
Sau khi bắt giữ các đối tượng, cơ quan công an còn thu giữ 2 xe máy mang BKS 49M6-3255 và 49V1- 7459 mà các đối tượng bị cáo buộc sử dụng để trộm cắp cà phê trong thời gian qua.
Được biết, hiện nay đang trong giai đoạn cao điểm vụ mùa thu hoạch cà phê, giá cà phê ở thời điểm hiện tại đang rất cao. Nhiều đối tượng thường lợi dụng sự sơ hở, mất cảnh giác, nhất là vào ban đêm để trộm cắp cà phê của người dân.
Cơ quan chức năng huyện Bảo Lâm (Lâm Đồng) khuyến cáo, hiện đang vào vụ chính thu hoạch cà phê, tình trạng trộm cắp cà phê diễn biến phức tạp. Vì vậy, người dân cần nâng cao ý thức cảnh giác trong việc đấu tranh, ngăn ngừa phòng chống tội phạm, bảo vệ tài sản của mình.
Điều 138. Tội trộm cắp tài sản (Bộ luật hình sự năm 1999, sửa đổi bổ sung năm 2009): 1. Người nào trộm cắp tài sản của người khác có giá trị từ năm trăm nghìn đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới năm trăm nghìn đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm: a) Có tổ chức; b) Có tính chất chuyên nghiệp; c) Tái phạm nguy hiểm; d) Dùng thủ đoạn xảo quyệt, nguy hiểm; đ) Hành hung để tẩu thoát; e) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng; g) Gây hậu quả nghiêm trọng. 3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm: a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng; b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng. 4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân: a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên; b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. 5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng. Chú ý: Thông tin pháp lý trong hộp nội dung này được trích từ nguồn trên mạng Internet, nên chỉ mang tính tham khảo |
PHƯƠNG ANH (Tổng hợp)
Xem thêm video tại đây:
[mecloud]TqVtnWlfkh[/mecloud]