Nghiện game ảnh hưởng đến sức khỏe và cuộc sống hàng ngày
Chia sẻ trên báo Người lao động, em L.Q.M (16 tuổi, ngụ TP Thủ Đức) có khoảng thời gian hơn 1 tháng nghỉ học hẳn chỉ để chơi game. M. đóng cửa phòng, chơi game liên tục bất kể ngày đêm, liên tục bỏ bữa, không nghe ba mẹ khuyên nhủ.
Em N.Q.T (15 tuổi, ngụ tỉnh Bình Dương) vì quá mê điện thoại đã khiến những trận cãi vã trong gia đình ngày càng nhiều. Ba T. cho rằng mẹ em quá chiều con, trong khi mẹ thì trách vì ba mãi mê đi làm, thiếu sự quan tâm, gần gũi con cái.
Khi nghiện điện thoại di động và game online, giới trẻ có thể đối mặt với nhiều hệ lụy tiêu cực, không chỉ sức khỏe mà cả quan hệ xã hội.
Việc dành quá nhiều thời gian cho điện thoại và game có thể gây ra stress, trầm cảm, và lo âu. Trẻ em và thanh thiếu niên có thể trở nên cáu kỉnh. Chị T., mẹ em N.Đ.H (ngụ tỉnh Bình Phước) thừa nhận từ khi bị phụ thuộc vào game, mắt H. lúc nào cũng trợn lên nhưng đờ đẫn không linh hoạt, nóng tính và khó kiểm soát hành vi.
Ngoài ra, việc cắm mặt vào điện thoại, máy tính suốt ngày gây ra tình trạng béo phì, suy giảm thị lực, đau cổ và vai, và rối loạn giấc ngủ. Có giai đoạn N.Q.T và L.Q.M chạm ngưỡng cân nặng 100 kg.
Sinh hoạt không lành mạnh, thức khuya quá độ để chơi game, mắt luôn phải làm việc với cường độ ánh sáng mạnh từ các thiết bị điện tử, tai ù vì đeo tai nghe, nhiều bạn trẻ suy giảm rõ rệt về sức khoẻ. Theo cảnh báo của Sở Y tế TP HCM, tỉ lệ trẻ mắc hội chứng TIC (nháy mắt, chun mũi, nhún vai, lắc đầu, giật cơ hàm hay phát ra những âm thanh lạ...) đang dần tăng cao vì thói quen xem tivi, xem điện thoại, chơi game,... quá nhiều.
Thay vì trò chuyện trực tiếp, gặp gỡ người thân và bạn bè, nhiều bạn trẻ chọn cách tương tác qua mạng xã hội, tham gia vào các cuộc trò chuyện ảo. Từ đó, các em cảm thấy khó khăn trong việc giao tiếp và tự cô lập mình. "Trong lớp có nhiều bạn nhưng em cảm thấy trò chuyện là việc không cần thiết, em thấy chat trên mạng với những người bạn ảo thoải mái hơn" - N.Q.T tâm sự.
Bố mẹ chọn cách đưa con đến trường cai nghiện game
Để lôi con thoát khỏi thế giới ảo, nhiều bậc phụ huynh đã cố gắng áp dụng nhiều biện pháp khác nhau từ khuyên nhủ, đưa con đi gặp bác sĩ tâm lý đến cứng rắn hơn là tịch thu điện thoại, ngắt mạng internet... Tuy nhiên, không phải đứa trẻ nào cũng tỉnh ngộ và rời bỏ điện thoại, game online. Nhiều em phản ứng tiêu cực như la hét, quậy phá, nhịn ăn, thậm chí bỏ nhà đi…
Có con gái tên A.N. nghiện mạng xã hội đến bỏ ăn, bỏ ngủ, một phụ huynh ở tỉnh Bình Dương cho biết sau khi làm đủ mọi cách để con rời xa điện thoại không thành công, vợ chồng anh đành "lừa" chở thẳng con vào một ngôi trường nội trú chuyên dành cho học sinh nghiện game online ở quận 12, TP HCM.
Ở đây, học sinh không được sử dụng tiền và điện thoại, không tiếp xúc với máy tính hay internet và còn bị cắt đứt liên lạc với gia đình trong 3 tháng đầu.
Sau một thời gian cách ly với thế giới ảo, A.N dần trở lại cuộc sống bình thường với những sở thích khác như đọc sách hay tham gia các hoạt động thể chất.
"Cai nghiện được mạng xã hội, em không còn cảm thấy phụ thuộc vào điện thoại nữa và bắt đầu nhìn nhận thế giới xung quanh với một ánh nhìn mới mẻ. Em sẽ tiếp tục học cách làm điều này khi quay trở lại cuộc sống hàng ngày" - A.N tâm sự.
Làm thế nào để con bạn bớt nghiệm game khi chúng đang sống trong xã hội công nghệ và tự do?
1.Nói chuyện thẳng thắn trước khi con tiếp cận: Giải thích cho bé rằng đó là một trò giải trí và đó không phải là cuộc sống của chúng. Làm cho trẻ nhận thức được rằng thành công trong thế giới trò chơi là ảo và không liên quan gì đến thành công ngoài đời thực.
Thật đáng giá để kiếm được điểm trong cuộc sống thực (bằng cách đạt điểm cao, kiếm được tiền thật, học một kỹ năng hữu ích trong cuộc sống thực) so với trong thế giới giả tưởng.
2.Xác định thời gian hợp lý để con bạn chơi điều độ: Thời gian tốt sẽ là 1 tiếng vào mỗi ngày thường và tối đa 2 - 3 tiếng vào cuối tuần.
3.Đặt quy tắc cụ thể cho giới hạn thời gian chơi trò chơi và chắc chắn về điều đó: Hãy nói rõ cho con bạn biết cụ thể bạn cho phép chơi bao nhiêu thời gian và con bạn phải đảm bảo sẽ thực thi nghiêm chỉnh. Thỉnh thoảng cho trẻ một chút ngoại lệ nếu con có thành tích học tập tốt hoặc làm được điều gì đó tốt.
4.Đưa ra hình phạt cụ thể cho việc không tuân theo quy tắc: Bạn có thể cấm con bạn chơi game trong một tuần nếu bé vượt quá giới hạn thời gian cho phép.
5.Biến thời gian trò chơi thành phần thưởng: Làm cho thời gian chơi trò chơi của con bạn phụ thuộc vào việc thực sự hoàn thành hoặc không đạt được mục tiêu.
Ví dụ, bạn có thể cho phép trẻ chơi vào những ngày đi học nếu bé duy trì bài tập sau khi bố mẹ kiểm tra còn nếu không, bé chỉ có thể chơi vào cuối tuần. Hoặc cho phép con bạn chơi chỉ khi bé đã làm xong việc đề ra.
6.Theo dõi thời gian trò chơi: Có rất nhiều trò chơi theo cấp độ. Khi con chinh phục được vòng 1 sẽ vào được vòng 2, vòng 3… và hết giờ bố mẹ cho phép, con sẽ năn nỉ hoặc xin xỏ để được chơi thêm. Vì thế kiểm soát đừng để con chơi những trò khiến con bị cuốn đến mê muội.
7.Sử dụng các công cụ để đặt giới hạn cho thời gian trò chơi: Ví dụ cài đặt chế độ hẹn giờ ở máy tính hoặc điện thoại. Sau 1 tiếng thiết bị sẽ tự ngắt.
8.Đặt máy chơi game hoặc máy tính của con bạn ở nơi bạn có thể nhìn thấy - điều này sẽ khiến bé biết rằng bạn đang theo dõi giờ chơi game của bé và bạn có thể biết bé có chơi quá mức không.
9.Giới thiệu cho con bạn những điều thú vị khác để mang lại sự thích thú và thậm chí có thể kiếm được điểm thực tế - Chúng có thể bao gồm từ các hoạt động thể chất như chơi thể thao, đạp xe hoặc chạy đến ít thể chất hơn, như đọc, học chơi một nhạc cụ hoặc đi chơi với bạn bè.
10.Rủ anh em họ hoặc bạn bè của con bạn để giúp bé quên việc chơi game và tham gia các hoạt động vui chơi khác.
11.Làm cho con bạn thoát khỏi tình trạng vượt quá giới hạn - Trong trường hợp xấu nhất, khi con bạn bị rối loạn chức năng vì bạn bố mẹ cố gắng hạn chế chơi game, bạn có thể khóa trò chơi hoặc gỡ cài đặt nó khỏi máy tính cho đến khi con bạn nhận ra rằng chúng có thể sống mà không cần game.
Trong những trường hợp cực đoan, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ trị liệu hoặc bác sĩ nhi khoa để chữa chứng nghiện của con bạn trong trò chơi điện tử. Hãy can thiệp sớm và dứt khoát, đừng trì hoãn hoặc nghĩ làm thế vì thương con, theo Giáo dục & Thời đại.
Thùy Dung(T/h)