"Trường hợp ông, bà nội tôi mất mà không để lại di chúc trong khi bố tôi cũng đã mất trước đó thì mẹ, con tôi có được thay bố nhận thừa kế tài sản của ông bà tôi không?"
Bạn Trần Quang N trú tại Ninh Bình hỏi: Ông bà nội tôi sinh ra được 4 người con trong đó bố tôi là con trưởng. Bố tôi bị mất trong một vụ tai nạn năm 2011, hiện nay tôi cùng 2 em nay sống cùng với mẹ. Trước đây bố mẹ tôi cũng có 1 ngôi nhà, nhưng vì bố bị tai nạn nên phải bán ngôi nhà đó để chữa trị cho bố. Nên giờ 4 mẹ con phải thuê nhà để ở.
Ông, bà nội tôi có 1 mảnh đất rộng hơn 800m2 (đã có sổ đỏ mang tên ông tôi) hiện nay vợ chồng chú út ở. Bà nội tôi mất năm 2012, và ông nội tôi cũng vừa qua đời đầu năm 2015 đều không để lại di chúc.
Luật sư cho tôi hỏi: trường hợp ông, bà nội tôi mất mà không để lại di chúc trong khi bố tôi cũng đã mất trước đó thì mẹ, con tôi có được thay bố nhận thừa kế tài sản của ông bà tôi không?
Ảnh minh họa.
Luật sư Chu Văn Tiến, Công ty Luật TNHH An Nam (Đoàn Luật Sư thành phố Hà Nội) tư vấn như sau:
Căn cứ vào các thông tin bạn cung cấp, chúng tôi xin được tư vấn như sau:
Ông, bà của bạn mất mà không để lại di chúc nên theo quy định tại Điểm a, Khoản 1, Điều 675 BLDS thì di sản sẽ được chia thừa kế theo pháp luật
Theo quy định tại Điều 635 Bộ luật Dân sự về người thừa kế theo pháp luật thì:
1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:
a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;
b) Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;
Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau. Theo thông tin bạn đã cung cấp, ông bà nội bạn có 4 người con. Như vậy, theo quy định pháp luật sẽ có 4 người ở hàng thừa kế thứ nhất được nhận phần di sản thừa kế ông bà nội bạn để lại.
Trường hợp thừa kế di sản của bạn cần tư vấn là trường hợp thừa kế thế vị được quy định tại Điều 677 Bộ luật Dân sự năm 2005.
Điều 677. Thừa kế thế vị
Trong trường hợp con của người để lại di sản chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì cháu được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của cháu được hưởng nếu còn sống; nếu cháu cũng chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì chắt được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của chắt được hưởng nếu còn sống.
Như thông tin bạn đã cung cấp bố bạn mất trước ông, bà bạn với các mốc thời gian trên, xác định rằng bố của bạn qua đời trước thời điểm người để lại di sản thừa kế là ông bà nội bạn qua đời. Do đó, theo quy định tại Điều 677 Bộ luật dân sự năm 2005, bạn và hai người em của bạn được hưởng phần di sản mà bố của bạn
Khi ông, bà nội của bạn mất, phần di sản mà Bố của bạn được hưởng nếu còn sống sẽ được bạn và hai người em của bạn thừa kế thế vị. Mẹ của bạn không được hưởng phần di sản thừa kế của ông bà nội bạn.
Theo Dân Trí
Xem thêm video tin tức:
[mecloud] zuv6FEmVlR[/mecloud]