(ĐSPL)- Bộ GTVT yêu cầu Sở GTVT các tỉnh, thành phố đảm bảo nguyên tắc điều chỉnh giảm giá cước vận tải và báo cáo Bộ trước ngày 30/9.
Dân trí đưa tin, Bộ Giao thông vận tải vừa có công văn yêu cầu Sở Giao thông vận tải các tỉnh, thành phố giám sát và kê khai giá cước theo quy định, đảm bảo nguyên tắc điều chỉnh giảm giá cước vận tải và báo cáo Bộ Giao thông vận tải và Bộ Tài chính trước ngày 30/9.
Riêng với lĩnh vực hàng không, sau khi giá xăng dầu liên tiếp giảm, Cục Hàng không Việt Nam yêu cầu các hãng hàng không tăng cường áp dụng nhiều mức giá vé thấp và chương trình khuyến mại nhằm tạo điều kiện cho người dân đi lại.
Cục Hàng không Việt Nam yêu cầu các hãng hàng không tăng cường áp dụng nhiều mức giá vé thấp. (Ảnh Dân Trí) |
Theo Cục Hàng không Việt Nam, thời gian qua giá nhiên liệu bay xăng Jet A1 có xu hướng giảm rõ rệt, việc này có tác động tích cực đến thị trường vận tải nói chung và thị trường vận chuyển hàng không nói riêng.
Để tạo điều kiện cho nhiều người dân di chuyển bằng đường hàng không, Cục Hàng không Việt Nam đã yêu cầu các hãng hàng không tiếp tục áp dụng và xuất bán nhiều loại giá vé thấp, qua đó, xây dựng và đưa thêm nhiều chương trình khuyến mại, giá vé đặc biệt thu hút hành khách.
Tính đến ngày 3/9, giá bán lẻ mặt hàng xăng đã giảm 5 lần liên tiếp kể từ khi đạt mức đỉnh 20.710 đồng/lít hồi tháng 6. Tính chung từ đầu năm 2015 đến nay, giá xăng RON 92 đã 7 lần giảm (tổng cộng giảm 5.588 đồng/lít) và 4 lần tăng (tổng cộng giảm 5.040 đồng/lít). Như vậy, giá xăng hiện nay đã rẻ hơn so với giai đoạn đầu năm khoảng 548 đồng/lít.
Trên thực tế, nhiên liệu chiếm 35\%-40\% cước phí vận tải, do đó nếu giá xăng dầu giảm thì cước vận tải sẽ giảm tương ứng. Tuy nhiên, dù giá xăng liên tục giảm nhưng giá hàng hóa, cước vận tải vẫn án binh bất động.
Với tình hình trên, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Hồng Trường cho biết Bộ này đã có công văn yêu cầu Sở Giao thông vận tải các tỉnh, thành phố giám sát và kê khai giá cước theo quy định, đảm bảo nguyên tắc điều chỉnh giảm giá cước vận tải và báo cáo Bộ Giao thông vận tải và Bộ Tài chính trước ngày 30/9.
Theo Đất Việt, trước đó, từ cuối tháng 8/2015, Bộ Tài chính đã có hai công văn liên tiếp đề nghị Bộ GTVT và UBND các tỉnh, thành phố yêu cầu sở GTVT phối hợp với sở tài chính giám sát chặt chẽ giá cước vận tải, yêu cầu các doanh nghiệp vận tải phải kê khai lại giá cước phù hợp với mức giảm giá xăng dầu.
Sau chỉ đạo của Bộ GTVT, Hiệp hội Taxi TPHCM đã có văn bản đề nghị các thành viên điều chỉnh giảm giá cước cho phù hợp với tình hình thực tế.
Theo Chủ tịch Hiệp hội Taxi TPHCM Tạ Long Hỷ, nếu tính thời điểm tăng giá cước vào giữa tháng 5/2015 tới nay thì xăng đã có 2 lần tăng giá (tổng tăng: 1.480 đồng/lít) và 5 lần giảm giá (tổng giảm: 3.380 đồng/lít). Mặc dù mức giảm 1.900 đồng/lít là chưa nhiều nhưng các đơn vị vận tải cần hưởng ứng chủ trương bình ổn giá và kiểm soát lạm phát của Nhà nước.
Bộ GTVT yêu cầu giảm giá cước trước 30/9. Ảnh Đất Việt) |
“Với mức giảm 1.900 đồng/lít, các doanh nghiệp vận tải có thể cân nhắc để điều chỉnh giá cước ở mức hợp lý và thực hiện kê khai, niêm yết giá theo đúng quy định. Tôi đề nghị các đơn vị thành viên giảm 500 đồng/km. Đây là mức giảm phù hợp với tình hình thực tế”, ông Hỷ nói.
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Chánh – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Vận tải hàng hóa TPHCM cho biết, theo hướng chung thì các doanh nghiệp trong hiệp hội sẽ giảm giá cước vận tải. Tuy nhiên, mức giảm sẽ không đáng kể.
Ông Chánh cho biết thêm, việc giảm giá cước còn phụ thuộc vào cơ chế thị trường, sự thỏa thuận giữa chủ hàng và doanh nghiệp vận tải. Bởi, vận tải hàng hóa phụ thuộc vào nhiều yếu tố như lượng hàng, cự ly tuyến đường, phương tiện, loại hàng, thời gian chở hàng.
Trước đó, Sở Giao thông vận tải TPHCM có văn bản đề nghị các doanh nghiệp kinh doanh taxi và doanh nghiệp kinh doanh vận tải tuyến cố định (xe đò) xem xét thực hiện điều chỉnh giảm giá cước cho phù hợp. Đồng thời, yêu cầu các đơn vị trên đăng ký, kê khai giá cước theo đúng quy định.
Trong khi, TPHCM rốt ráo thực hiện chỉ đạo của Bộ GTVT, thì phải 5-7 ngày nữa Hà Nội mới giảm giá cước vận tải vì các doanh nghiệp đang thực hiện các thủ tục kê khai chờ phê duyệt.
Lý giải về sự chậm trễ này, ông Nguyễn Hồng Minh, Phó Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội cho biết: do các doanh nghiệp đang thực hiện các thủ tục kê khai và niêm yết giá; Cùng với đó là thời gian chờ phê duyệt, thực hiện thay đổi tính cước đồng hồ... nên sẽ chưa thể giảm ngay.
Đức An (Tổng hợp)
Xem thêm video:
[mecloud]fCKn00JRts[/mecloud]