Liên quan đến thông tin Vietnam Airlines tố Bamboo Airways “giành giật lực lượng phi công”, Bộ GTVT khẳng định việc di chuyển viêc làm của các phi công là "một quy luật của cơ chế thị trường".
Chiều 4/5, tại họp báo Chính phủ thường kỳ, đại diện Bộ GTVT đã chính thức trả lời báo chí về việc có hay không việc Vietnam Airlines (VNA) gửi báo cáo “mật” tới Bộ, tố Bamboo Airways “giành giật lực lượng phi công”, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động của hãng này.
Trong cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tối 4/5, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật xác nhận văn bản Bamboo có được là thật. Bộ đã yêu cầu các bên liên quan báo cáo về vụ việc.
Bộ GTVT khẳng định không có việc Bamboo "cướp" phi công của Vietnam Airline như văn bản đã nêu. Ảnh minh họa |
"Hiện nay, chúng tôi đang cho kiểm tra vấn đề này để xem tình trạng di chuyển việc làm của các phi công này có sai quy định hay không. Nhưng thực chất đây là một quy luật của cơ chế thị trường, Nhà nước không thể can thiệp sâu", Thứ trưởng Nguyễn Nhật khẳng định.
Khi xác nhận việc văn bản mật mà Vietnam Airlines gửi đi có tồn tại, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật cũng nhấn mạnh các doanh nghiệp phải hoạt động theo cơ chế thị trường.
“Các doanh nghiệp hoạt động trong cơ chế thị trường. Chúng tôi sẽ ngồi lại với 2 bên để xem xét vụ việc như thế nào, rồi có báo cáo rõ hơn", ông Nhật nói.
Trước đó, FLC, công ty mẹ của Bamboo Airways đã gửi văn bản lên Bộ GTVT và Cục Hàng không, dẫn một bản sao báo cáo được Vietnam Airlines gửi lên cơ quan chức năng. Văn bản mà họ vô tình "nhặt" được ngày 23/4 này nói hãng hàng không startup giành giật phi công, gây thiệt hại lớn cho doanh nghiệp hàng tỷ đồng. Văn bản cũng đề nghị Cục Hàng không dừng xem xét cấp chứng chỉ khai thác Boeing 787 cho Bamboo Airways. Văn bản này, theo Bamboo Airways, nếu có thật là hành động "chơi xấu", "cạnh tranh không lành mạnh".
Mục “nơi nhận” của văn bản bao gồm các cơ quan như Cục Hàng không Việt Nam, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại Doanh nghiệp, Đảng ủy Khối doanh nghiệp Trung ương, HĐQT Tổng Công ty Hàng không Việt Nam. Văn bản được đóng dấu “MẬT”, cuối văn bản này có chữ ký của ông Dương Trí Thành, Tổng Giám đốc VNA và đóng dấu của hãng này.
Khi trao đổi với Zing, một đại diện phía FLC đã xác nhận nội dung trong công văn gửi Bộ GTVT ngày 23/4 trên.
Trong trường hợp xác minh đúng về việc văn bản trên được phát hành bởi VNA, FLC đã đề nghị cơ quan chức năng có biện pháp bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Bamboo Airways.
"Về phần mình, chúng tôi sẽ thực hiện quyền khởi kiện đối với các hành vi vi phạm pháp luật về cạnh tranh không lành mạnh, gây thiệt hại đến lợi ích vật chất và uy tín của Bamboo Airways", FLC khẳng định.
Theo báo cáo của VNA hồi tháng 6/2018, hãng có 1.138 phi công, trong đó có 853 phi công người Việt và 285 phi công người nước ngoài, tỷ lệ phi công ngoại chiếm 25%.
Theo một báo cáo khác, tới hết năm 2019 Vietnam Airlines dự kiến cần 1.293 phi công. Tuy nhiên nhiều khả năng hãng sẽ phải tuyển thêm nhiều hơn 155 phi công bởi luôn phát sinh trường hợp phi công nghỉ việc khi có đơn vị khác đưa ra mức thu nhập cao hơn.
Năm tháng đầu 2018, hãng tiếp tục ghi nhận 33 phi công nghỉ việc, bao gồm 25 phi công nước ngoài và 8 phi công Việt, đi kèm dự báo sẽ có 15-20 phi công nộp đơn xin nghỉ.
Minh Minh (T/h)