Bộ GD&ĐT cho biết hiện tại Bộ không có dự kiến cải tiến chữ viết nhưng vẫn trân trọng nghiên cứu của PGS.TS Bùi Hiền.
Liên quan đến việc cải tiến tiếng Việt mà PGS.TS Bùi Hiền (nguyên Hiệu phó trường ĐHSP Ngoại ngữ Hà Nội) đề xuất trong cuốn sách mới xuất bản gây nhiều tranh cãi trong thời gian qua, mới đây, đại diện Bộ Giáo dục & Đào tạo (GD&ĐT) đã lên tiếng về vấn đề này.
Theo Bộ GD&ĐT, ý kiến của PGS.TS Bùi Hiền về cải tiến chữ quốc ngữ là đề xuất trong một hội thảo khoa học của ngành Ngôn ngữ. Cụ thể, đó là hội thảo “Ngôn ngữ ở Việt Nam: Hội nhập và Phát triển”, do Hội Ngôn ngữ học Việt Nam và ĐH Quy Nhơn tổ chức từ tháng 7/2017.
PGS.TS Bùi Hiền. |
"Bộ GD-ĐT trân trọng tất cả các công trình nghiên cứu và đề xuất nghiêm túc của các nhà khoa học.
Tuy nhiên, để đưa một đề xuất liên quan đến vấn đề cải tiến chữ viết của ngôn ngữ quốc gia vào thực tế cần có sự thẩm định của các chuyên gia, ý kiến của các tầng lớp nhân dân và sự xem xét, quyết định của Quốc hội, Chính phủ. Bộ GD-ĐT không đủ thẩm quyền và không có dự kiến áp dụng bất cứ một phương án nào về cải tiến chữ viết quốc gia trong giai đoạn hiện nay" - Bộ GD&ĐT đưa ra quan điểm.
Trước đó, trong đề xuất của mình, PGS.TS Bùi Hiền cho rằng, cho đến thời điểm hiện tại, chữ quốc ngữ mà chúng ta dùng đã không còn hợp lý nữa, gây khó khăn cho người dùng khi những quy định chưa thống nhất nên quá trình giải nghĩa gặp những bất cập khác nhau.
Theo đó, cách viết tiếng Việt sẽ giống với ngôn ngữ thông thường, không còn các chữ ghép ch-tr-nh… Như vậy "giáo dục" phải viết là "záo zụk", "nhà nước" là "n'à nướk", "ngôn ngữ" là "qôn qữ"...
Theo đề xuất này, chúng ta sẽ giảm được những khó khăn cho người dùng, không gây lẫn lộn và bất cập. Cùng với đó, bộ chữ cái tiếng Việt chỉ còn 31 kỹ tự thay cho 38 ký tự như hiện nay.
Ngay khi thông tin về ý tưởng cải tiến ngôn ngữ của PGS.TS Bùi Hiền xuất hiện trên mạng xã hội, dư luận đã tranh cãi khá gay gắt.
Vi An (T/h)