98,17% học sinh hoàn thành chương trình tiểu học
Báo Tiền phong dẫn báo cáo năm học 2023-2024 của Bộ GD&ĐT cho thấy, toàn quốc có hơn 8,9 triệu học sinh tiểu học, tỉ lệ trung bình học sinh/lớp là 32.
Tuy nhiên, một số địa phương, khu đô thị và các thành phố lớn do áp lực tăng dân số cơ học quá nhanh dẫn đến sĩ số học sinh/lớp vượt tỉ lệ quy định như: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Bình Dương… và một số thành phố, trung tâm của các tỉnh.
Cũng theo Bộ GD&ĐT, đến hết năm học 2023-2024, tỉ lệ học sinh hoàn thành chương trình tiểu học chiếm 98,17% đã phản ánh thực chất chất lượng giáo dục nói chung trên bình diện toàn quốc. Việc đánh giá học sinh dần đi vào thực chất, không vì thành tích và xem việc nâng cao chất lượng giáo dục học sinh là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu.
Cơ bản các Sở GD&ĐT đã chỉ đạo cơ sở giáo dục xây dựng kế hoạch và tổ chức dạy học 2 buổi/ngày, mỗi ngày bố trí không quá 7 tiết học, mỗi tiết 35 phút; thực hiện kế hoạch dạy học tối thiểu 9 buổi/tuần với 32 tiết/tuần; tạo điều kiện cho học sinh được học tập các môn học tự chọn và tham gia các hoạt động giáo dục nhằm thực hiện mục tiêu giáo dục toàn diện ở tiểu học.
Nhiều cơ sở giáo dục đã tổ chức các hoạt động cho học sinh sau giờ học chính thức trong ngày là hoạt động theo nhu cầu, sở thích của học sinh. Các nhà trường cũng đã tổ chức các hoạt động dưới hình thức sinh hoạt câu lạc bộ hoặc sử dụng cơ sở vật chất của nhà trường để học sinh vui chơi, giải trí; việc tổ chức hoạt động sau giờ học chính thức trong ngày dưới hình thức sinh hoạt câu lạc bộ sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Với bậc tiểu học, Bộ GD&ĐT cũng chỉ ra còn nhiều hạn chế đó là, chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý không đồng đều. Số lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý còn thừa thiếu cục bộ; đồng thời còn thiếu so với quy định, đặc biệt là chưa đồng bộ về cơ cấu khi triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 có một số môn học mới ở cấp tiểu học.
Một số địa phương thực hiện việc dồn dịch trường, điểm trường chưa hợp lí nên sau khi sắp xếp, sáp nhập, tại một số địa bàn ảnh hưởng đến việc đi học của học sinh, quy mô một số trường có số lớp/trường, số học sinh/lớp vượt quá quy định.
Các khó khăn được cho là do việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông là vấn đề lớn, lần đầu tiên xây dựng chương trình một cách tổng thể, đồng bộ tất cả các môn học, ở các cấp học, lớp học theo tiếp cận phát triển phẩm chất, năng lực học sinh.
64,3% cơ sở giáo dục đạt kiểm định chất lượng giáo dục
Báo Giáo dục & Thời đại dẫn thông tin từ Bộ GD&ĐT, năm học 2023-2024, các địa phương đã tích cực triển khai chủ trương, chính sách và quy định để đánh giá, công nhận đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục và đạt chuẩn quốc gia; sử dụng kết quả làm cơ sở cho các hoạt động cải tiến chất lượng, tham mưu cho cấp ủy đảng, chính quyền địa phương trong việc đầu tư nguồn lực (bố trí giáo viên, tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị) và gắn với việc thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước về phát triển nông thôn mới.
Tính đến ngày 31/5/2024, có 97,9% cơ sở giáo dục hoàn thành tự đánh giá; 64,3% cơ sở giáo dục đạt kiểm định chất lượng giáo dục; 58,9% cơ sở giáo dục đạt chuẩn quốc gia.
Trong đó, có nhiều địa phương đã đạt được kết quả cao trong thực hiện kiểm định chất lượng giáo dục và công nhận trường đạt chuẩn quốc gia.
Tỷ lệ trường mầm non, tiểu học, THCS, THPT, trường phổ thông có nhiều cấp học, trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên hoàn thành tự đánh giá và đạt chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục trong cả nước năm học 2023 - 2024 tăng hơn so với năm học trước.
Đặc biệt là tỷ lệ trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên hoàn thành tự đánh giá và đạt chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục năm học 2022 - 2023 rất thấp nhưng đến năm học 2023 - 2024 đã có sự gia tăng nhanh chóng.
Qua đó, khẳng định sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của cơ quan quản lý giáo dục các cấp cũng như sự quyết tâm, cố gắng của các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên.
Tỷ lệ trường mầm non, phổ thông đạt chuẩn quốc gia năm học 2023 - 2024 cũng tăng nhanh so với năm học trước; trong đó tăng nhanh nhất là cấp tiểu học (tăng 19,5%) và THCS (tăng 17,1%).