Mới đây tại TP.HCM, Bộ GD&ĐT đã tổ chức hội thảo tham vấn chuyên môn về xây dựng Luật Nhà giáo. Bộ GD&ĐT nêu 5 chính sách đã được Chính phủ thống nhất thông qua tại Nghị quyết số 95-NQ/CP ngày 7/7/2023, bao gồm: Định danh nhà giáo; Tiêu chuẩn và chức danh nhà giáo; Tuyển dụng, sử dụng và chế độ làm việc của nhà giáo; Đào tạo, bồi dưỡng, đãi ngộ và tôn vinh nhà giáo; Quản lý nhà nước về nhà giáo.
Quy định dự kiến giấy chứng nhận nghề nghiệp nhà giáo là văn bản do cơ quan quản lý giáo dục có thẩm quyền của Việt Nam cấp cho người đạt chuẩn nghề nghiệp nhà giáo, đáp ứng yêu cầu để hoạt động nghề nghiệp nhà giáo. Giấy này thay thế cho quyết định công nhận hoàn thành chế độ tập sự và chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp nhà giáo hiện nay, được cấp miễn phí và có giá trị sử dụng trong toàn quốc.
Thông tin này lập tức nhận được nhiều ý kiến từ giáo viên và những người quan tâm đến giáo dục.
Nỗi băn khoăn của các giáo viên
Trao đổi trên báo Tiền phong, cô Đỗ Thùy Dung, một giáo viên có thâm niên đi dạy hơn 20 năm cho biết, nếu như đại diện Cục Nhà giáo nêu, giấy chứng nhận này thay thế cho quyết định công nhận hoàn thành chế độ tập sự và chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp nhà giáo hiện nay thì cũng phù hợp.
Tuy nhiên, vị giáo viên này băn khoăn có những giáo viên sắp về hưu không có chứng chỉ chức danh nghề nghiệp thì lại phải thi thì bất cập.
“Nếu giáo viên ở độ tuổi sắp về hưu lại phải đi học, đi thi để lấy chứng chỉ thì bất cập quá. Hồi trước chúng tôi đi học, thi mất 2,5 triệu đồng. Vậy nếu đã thi liệu có thể không ôn, không đi học không thì cần được thông tin tới giáo viên cho rõ”, vị giáo viên này nói.
Một vị hiệu trưởng của trường THCS ở Hà Nội cho biết, sao lại bắt giáo viên phải có chứng chỉ nghề nghiệp? Người ta đã tốt nghiệp sư phạm hoặc có chứng chỉ sư phạm rồi mà?
“Thêm một loại giấy tờ là thêm việc. Sao cứ mỗi lúc lại một thay đổi? Cái chứng chỉ chức danh nghề nghiệp cũng phải bỏ tiền, bỏ thời gian học mà nó không phục vụ được nhiều cho chuyên môn của giáo viên. Và quan trọng là thêm một thứ thủ tục”, vị hiệu trưởng này chia sẻ.
Chia sẻ với báo Thanh Niên, TS Nguyễn Tùng Lâm, Phó chủ tịch Hội Khoa học tâm lý - giáo dục Việt Nam cũng cho rằng: Lẽ ra cơ quan xây dựng luật Nhà giáo khi đưa ra một quy định mới, chính sách mới tác động lớn đến đội ngũ giáo viên như chứng chỉ nghề nghiệp thì cần nêu rõ đối tượng áp dụng, vì sao phải bổ sung quy định, dự kiến về tác động của chính sách khi áp dụng quy định này, cơ quan nào được quyền cấp chứng chỉ nghề nghiệp giáo viên…
"Nếu yêu cầu nhà giáo phải có chứng chỉ nghề nghiệp như một thủ tục hành chính để… hành giáo viên là chính thì tôi sẽ phản đối tới cùng", ông Lâm nói.
Tuy nhiên, TS Lâm cũng cho rằng nếu chứng chỉ nghề nghiệp thực sự cần thiết để nâng cao chất lượng nhà giáo thì sẽ phải trả lời được hàng loạt câu hỏi kèm theo. Các nước có yêu cầu chứng chỉ hành nghề với giáo viên thì thường sẽ giao cho các hiệp hội nghề nghiệp giám sát và cấp chứng chỉ. Khi có chứng chỉ này, giáo viên sẽ phải được giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm nhiều hơn, giảm bớt các báo cáo, sổ sách nặng về hình thức như lâu nay.
"Dù vậy, cũng cần hết sức cân nhắc và thận trọng khi áp dụng chứng chỉ nghề nghiệp ở nước ta. Việc nâng cao chất lượng giáo viên là đặc biệt quan trọng, nhưng muốn vậy trước hết phải nâng cao chất lượng đào tạo ở các trường sư phạm. Nếu làm được như vậy thì việc giáo viên ra trường rồi lại phải làm thêm các "thủ tục" để được cấp chứng chỉ nghề nghiệp là không cần thiết nữa", ông Lâm nhận định.
Bộ GD&ĐT lý giải gì?
Liên quan đến đề xuất nhà giáo phải có giấy chứng nhận nghề nghiệp, báo Dấn Việt dẫn lời ông Vũ Minh Đức, Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục, Bộ GD&ĐT cho hay: "Ở nhiều nước, giáo viên phải có giấy chứng nhận nghề nghiệp. Đây là minh chứng một người đủ điều kiện hành nghề giáo viên. Nhiều ngành nghề khác ở Việt Nam như luật sư, bác sĩ cũng đã có quy định về chứng chỉ hành nghề. Phải có chứng chỉ mới được hành nghề. Chứng chỉ là minh chứng người đó đủ năng lực để làm công việc đó.
Đối với lĩnh vực giáo dục, hiện có đồng thời nhiều quy định về chuẩn nghề nghiệp và tiêu chuẩn chức danh giáo viên/giảng viên. Giấy chứng nhận nghề nghiệp sẽ thay thế những cái này với các tiêu chí cụ thể. Giấy chứng nhận nghề nghiệp cũng là sự công nhận và vinh danh nhà giáo".
Ông Đức cũng khẳng định: "Giấy chứng nhận nghề nghiệp sẽ được cấp theo hướng đơn giản, thuận lợi cho nhà giáo, không đòi hỏi hay phát sinh nhiều thủ tục, không thu phí. Những nhà giáo đang giảng dạy ở các cơ sở giáo dục, trường chỉ cần lập danh sách và cơ quan quản lý giáo dục cấp giấy chứng nhận, không cần thủ tục gì cả.
Những người mới vào nghề hay đang tập sự thì cần làm thủ tục cấp chứng nhận. Những nhà giáo đã nghỉ hưu cũng có thể làm thủ tục cấp giấy chứng nhận nghề nghiệp (nếu có nhu cầu). Giấy chứng nhận nghề nghiệp là căn cứ để xác nhận một người có đủ năng lực, kỹ năng làm giáo viên.
Giấy này có giá trị toàn quốc nên khi chuyển từ tỉnh này sang tỉnh khác, từ trường công ra trường tư, giáo viên chỉ cần xuất trình giấy chứng nhận này mà không phải trải qua tập sự. Tuy nhiên, tùy cơ sở giáo dục, họ có thể sẽ có thêm kiểm tra, đánh giá".
Thủy Tiên (T/h)