Bộ GD-ĐT chính thức công bố dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể để lấy ý kiến dư luận. Theo đó, chương trình giáo dục phổ thông mới được chia thành các môn học bắt buộc, môn học bắt buộc có phân hóa, môn học tự chọn và môn học tự chọn bắt buộc.
Ngày 12/4, Bộ GD-ĐT chính thức công bố dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể để lấy ý kiến rộng rãi trong dư luận.
Báo Vietnamnet đưa tin, chương trình, sách giáo khoa phổ thông mới được triển khai theo tinh thần của Nghị quyết 88 năm 2014 của Quốc hội khóa 13. Đây là lần thứ 2, dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể được công bố. Trước đó, Bộ GD-ĐT công bố lần đầu vào năm 2015.
GS.TS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên Chương trình GDPT tổng thể. (Ảnh: Dân trí) |
Phát biểu giới thiệu Dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, GS.TS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) tổng thể cho biết, chương trình mới được xây dựng theo định hướng phát triển phẩm chất và năng lực, tạo môi trường học tập và rèn luyện giúp người học tích lũy được kiến thức phổ thông vững chắc; biết vận dụng hiệu quả kiến thức vào đời sống và tự học suốt đời; có định hướng lựa chọn nghề nghiệp phù hợp; biết xây dựng và phát triển hài hòa các mối quan hệ xã hội; có cá tính, nhân cách và đời sống tâm hồn phong phú…
Chương trình giáo dục phổ thông bao gồm chương trình tổng thể (khung chương trình), các chương trình môn học và hoạt động giáo dục. Chương trình cũng đã được Hội đồng Quốc gia Thẩm định chương trình giáo dục phổ thông thẩm định lần thứ nhất.
Về Phương pháp xây dựng chương trình, với định hướng tiếp cận năng lực (thay vì định hướng tiếp cận nội dung), dự thảo chương trình GDPT tổng thể áp dụng phương pháp Sơ đồ ngược (Back - Mapping) và Phương pháp Đánh giá tác động của chính sách.
Theo đó, chương trình giáo dục phổ thông nhằm cụ thể hóa mục tiêu giáo dục phổ thông, giúp học sinh hình thành và phát triển những phẩm chất, năng lực cho học sinh đáp ứng nhu cầu hoàn thiện nhân cách và yêu cầu của sự nghiệp xây dựng, bảo vệ đất nước trong thời đại toàn cầu hóa và cách mạng công nghiệp mới.
Chương trình giáo dục phổ thông hình thành và phát triển cho học sinh những phẩm chất chủ yếu bao gồm: nhân ái, khoan dung; chuyên cần, tiết kiệm; trách nhiệm, kỷ luật; trung thực, dũng cảm. Đồng thời hình thành và phát triển cho học sinh những năng lực cốt lõi: năng lực tự chủ, năng lực hợp tác, năng lực sáng tạo; năng lực giao tiếp, năng lực tính toán, năng lực tin học, năng lực thẩm mỹ, năng lực thể chất.
Theo dự thảo, các môn học bắt buộc ở cấp tiểu học gồm 11 môn: Tiếng Việt, Toán, Tiếng Anh, Giáo dục lối sống, Cuộc sống quanh ta, Tìm hiểu xã hội, Tìm hiểu tự nhiên, Kỹ thuật và Tin học, Giáo dục thể chất, Nghệ thuật, Hoạt động trải nghiệm sáng tạo. Môn học tự chọn là Tiếng dân tộc thiểu số.
Ở cấp trung học cơ sở, các môn học bắt buộc gồm 11 môn: Ngữ văn, Toán, Tiếng Anh, Giáo dục công dân, Khoa học tự nhiên, Tin học, Công nghệ và Hướng nghiệp, Lịch sử và Địa lý, Giáo dục thể chất, Nghệ thuật, Hoạt động trải nghiệm sáng tạo. Môn học tự chọn là Ngoại ngữ 2.
Theo GS Thuyết, điểm đổi mới nhất của chương trình mới chính là ở cấp trung học phổ thông - giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp.
Trong đó, lớp 10 sẽ được coi là lớp dự hướng, giúp học sinh có được sự chuẩn bị để chọn hướng nghề nghiệp cho đúng. Lớp 11 và 12 là giáo dục định hướng nghề nghiệp, đảm bảo học sinh tiếp cận nghề nghiệp, đào tạo có chất lượng sau THPT.
Ngoài ra, dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể cũng đề cập tới định hướng xây dựng các chương trình môn học; định hướng về phương pháp dạy học và đánh giá kết quả học tập; điều kiện thực hiện chương trình phổ thông và phát triển chương trình giáo dục phổ thông.
GS.TS Nguyễn Minh Thuyết nhấn mạnh: “Theo chương trình hiện nay, học sinh vẫn phải học nhiều môn, vừa quá tải, vừa không có điều kiện tập trung vào những môn học phù hợp với định hướng nghề nghiệp. Do đó, chương trình GDPT tổng thể mới thực hiện giáo dục toàn diện, tích hợp ở các cấp tiểu học và THCS, thực hiện giáo dục phân hóa và tự chọn ở cấp THPT”.
Ông Nguyễn Minh Thuyết cũng khẳng định, thời gian triển khai chương trình - sách giáo khoa mới sẽ được thực hiện từ năm 2018-2019 theo hình thức cuốn chiếu, đúng theo lộ trình mà Nghị quyết của Quốc hội đã đặt ra.
(tổng hợp)