(ĐSPL) - Thực hiện theo kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp ngày 14/12/2016, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh ký quyết định thành lập Ban Chỉ đạo xử lý các vấn tồn tại ở các dự án lớn chậm tiến độ, kém hiệu quả trong ngành Công Thương.
Trong Tổ công tác đặc biệt này, người đứng đầu ngành Công Thương giữ vai trò Trưởng ban.
Theo đó, tại quyết định số 4898, Ban Chỉ đạo có nhiệm vụ rà soát, đánh giá toàn diện các vấn đề tồn tại trong quá trình thực hiện các dự án lớn ở một số Tập đoàn, Tổng công ty thuộc ngành Công Thương.
Nhà máy sản xuất xơ sợi Đình Vũ, một trong số 12 dự án thua lỗ, đắp chiếu của các đơn vị thuộc ngành công thương. Ảnh: Tiền phong. |
Đánh giá nguyên nhân dẫn đến tình trạng thua lỗ, kém hiệu quả của các dự án; xác định vai trò, trách nhiệm của tập thể, cá nhân có liên quan trong quá trình xây dựng và triển khai dự án.
Chỉ đạo triển khai thực hiện các nhiệm vụ đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ kết luận; kiến nghị các phương án giải quyết cụ thể đối với từng dự án để báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định và tổ chức triển khai thực hiện.
Trước đó, thông tin từ Bộ Công Thương cho biết, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh có yêu cầu Tổng cục Năng lượng, Cục Hóa chất, Vụ Công nghiệp nặng, Vụ Công nghiệp nhẹ phối hợp với các đơn vị có liên quan rà soát, đánh giá tổng thể về thực trạng, mức độ thiệt hại của các dự án thua lỗ, kém hiệu quả của các đơn vị trong ngành công thương.
Số dự án, nhà máy thua lỗ thuộc Bộ Công Thương không chỉ dừng lại ở con số 5 mà đã tăng lên 12 buộc Chính phủ phải thể hiện thái độ kiên quyết trong việc xử lý, khắc phục hậu quả.
Quan điểm của lãnh đạo Chính phủ trong việc xử lý các nhà máy, dự án này phải quán triệt chủ trương, các quan điểm chỉ đạo của Đảng là “Kiên quyết xử lý các doanh nghiệp nhà nước thua lỗ, các dự án đầu tư của doanh nghiệp nhà nước không hiệu quả hoặc hiệu quả thấp theo nguyên tắc và cơ chế thị trường”.
Việc Bộ Công Thương thành lập Ban Chỉ đạo xử lý các dự án kém hiệu quả là một giải pháp kịp thời và cần thiết.
Ban Chỉ đạo có 16 thành viên bao gồm Tổ Giúp việc gồm lãnh đạo Vụ Kế hoạch, Vụ Pháp chế và cán bộ của các đơn vị là thành viên Ban Chỉ đạo.