Bộ Công Thương đã phối hợp với UBND các tỉnh xem xét loại bỏ khỏi quy hoạch 8 dự án thủy điện bậc thang, 471 dự án thủy điện nhỏ và 213 vị trí tiềm năng thủy điện.
Bộ Công thương quyết định không phát triển thêm các dự án thủy điện vừa và nhỏ. Ảnh minh họa: Báo Khánh Hòa |
Theo Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Bộ Công Thương, để đáp ứng các yêu cầu đề ra theo NQ62 của Quốc hội, từ năm 2012-2019, bộ Công Thương đã phối hợp với UBND các tỉnh xem xét loại bỏ khỏi quy hoạch 8 dự án thủy điện bậc thang, 471 dự án thủy điện nhỏ và 213 vị trí tiềm năng thủy điện.
Đối với quy hoạch thủy điện nhỏ, đã vận hành phát điện 342 công trình (3.582,66MW), đang thi công xây dựng 158 dự án (2.122,75MW), đang nghiên cứu đầu tư 300 dự án (3.121,65MW), chưa nghiên cứu đầu tư 69 dự án (622,8MW).
Trong năm 2019, bộ Công Thương chưa xem xét để bổ sung quy hoạch các dự án thủy điện.
Bộ này cũng đang tiếp tục thực hiện rà soát các dự án đã có trong quy hoạch trên địa bàn do tỉnh quản lý, đánh giá trên mọi mặt như việc tuân thủ pháp luật, đảm bảo về môi trường, xã hội..., rà soát tiềm năng phát triển thủy điện vừa và nhỏ trên địa bàn tỉnh để tổng hợp, thống kê danh mục các dự án thủy điện đủ tiêu chí để đề xuất bổ sung vào Quy hoạch điện VIII.
Theo đánh giá của cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, về cơ bản công tác quy hoạch, đầu tư xây dựng và vận hành các nhà máy thủy điện ngày càng được thực hiện một cách đồng bộ, tuân thủ quy định của pháp luật, đạt được những kết quả tích cực.
Trao đổi với Pháp luật Việt Nam, ông Đỗ Đức Quân - Phó Cục trưởng cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (bộ Công Thương) cho biết, trong quá trình thực hiện chức năng quản lý nhà nước, Bộ này giám sát rất chặt quy hoạch, đầu tư xây dựng và vận hành các nhà máy thủy điện. Thậm chí, một số địa phương còn cho là "chặt quá", ảnh hưởng môi trường đầu tư một số tỉnh.
Cũng theo ông Quân, trong quá trình rà soát, bộ Công thương đã có các cảnh báo về ảnh hưởng đến môi trường nước, mức độ chiếm đất rừng gửi đến các địa phương và kiến nghị các địa phương rà soát lại.
Với đất rừng tự nhiên, từ năm 2016, Bộ này đã khuyến cáo các tỉnh không đưa vào quy hoạch.
Với rừng phòng hộ, phải có Nghị quyết của Hội đồng nhân dân đồng ý về chủ trương chuyển đổi rừng phòng hộ chúng tôi mới đưa vào quy hoạch nhưng số lượng này không nhiều.
Với đất quy hoạch rừng phòng hộ, Bộ cũng yêu cầu phải có Nghị quyết của Hội đồng nhân dân mới tiến hành xem xét.
Bộ Công Thương yêu cầu hạn chế tối đa đất rừng, từ đất rừng sản xuất đến đất rừng phòng hộ, riêng đất rừng tự nhiên tuyệt đối không thực hiện chủ trương đầu tư.
Bộ này cũng cho biết sẽ chủ động và phối hợp chặt chẽ giữa các Bộ, ngành và các địa phương triển khai thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của Ban Bí thư, Nghị quyết của Quốc hội và chỉ đạo của Chính phủ liên quan đến phát triển năng lượng tái tạo, trong đó có thủy điện một cách đồng bộ, quyết liệt.
Tăng cường chỉ đạo thực hiện tốt các quy định pháp luật hiện hành của Chủ đầu tư về quản lý an toàn đập, quy trình vận hành đơn hồ, liên hồ chứa, trồng rừng thay thế, chi trả dịch vụ môi trường rừng, bảo vệ môi trường.
Tăng cường năng lực, nâng cao chất lượng trong công tác quản lý quy hoạch, chấn chỉnh các vấn đề liên quan đến lựa chọn Chủ đầu tư, đảm bảo chất lượng công trình, việc thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.
Bạch Hiền (t/h)