Bộ Công Thương vừa lấy ý kiến dự thảo Thông tư về tiêu chí dán mác "made in Vietnam" cho hàng sản xuất trong nước lưu thông trên thị trường nội địa.
Theo dự thảo Thông tư, sản phẩm được coi là "made in Vietnam" nếu có xuất xứ thuần túy hoặc được sản xuất toàn bộ tại Việt Nam, như cây trồng và các sản phẩm từ cây trồng, khoáng sản...
Dự thảo thông tư đưa ra cách xác định hàng hoá được coi là hàng hóa của Việt Nam. Cụ thể, hàng hóa có xuất xứ thuần túy hoặc được sản xuất toàn bộ tại Việt Nam như: Cây trồng và các sản phẩm từ cây trồng được trồng và thu hoạch tại Việt Nam. Động vật sống được sinh ra và nuôi dưỡng tại Việt Nam. Các khoáng sản và các chất sản sinh tự nhiên được chiết xuất hoặc lấy ra từ đất, nước, đáy biển hoặc dưới đáy biển của Việt Nam…
Cách xác định hàm lượng giá trị gia tăng được xác định theo 2 công thức gián tiếp hoặc trực tiếp. Ở cách trực tiếp, nếu hàng có giá nguyên liệu đầu vào xuất xứ ở Việt Nam chiếm 30% giá xuất xưởng, thì được coi là hàng "made in Vietnam". Còn cách gián tiếp là giá xuất xưởng trừ đi giá nguyên liệu đầu vào không có xuất xứ Việt Nam.
Để xác định rõ hơn điều này, Bộ Công Thương đưa ra các ví dụ cụ thể từng mặt hàng với mã HS khác nhau để xác định tỷ lệ hàm lượng giá trị gia tăng nội địa. Phần lớn các sản phẩm này có tỷ lệ hàm lượng giá trị gia tăng nội địa 30%. Tuy nhiên để được xem là hàng "made in Vietnam", ngoài đạt tỷ lệ hàm lượng giá trị gia tăng nội địa là 30%, thì hàng hoá này còn phải vượt qua khâu gia công đơn giản.
Tiêu chí thứ hai để xác định hàng hóa có được dán nhãn "made in Vietnam" hay không là "chuyển đổi mã số HS". Tiêu chí này cho phép doanh nghiệp có thể sử dụng 100% nguyên liệu nhập khẩu hoặc không xác định về xuất xứ trong quá trình sản xuất, miễn là quy trình đó vượt qua công đoạn gia công đơn giản.
“Việc thiếu vắng các quy định về việc như thế nào thì một sản phẩm được coi là "Sản phẩm của Việt Nam" hay "Sản xuất tại Việt Nam" đã khiến nhiều tổ chức và cá nhân lúng túng khi muốn ghi chính xác nước xuất xứ trên nhãn sản phẩm theo quy định”- Bộ Công Thương nêu thực tế.
Bộ Công Thương cũng cho biết, một số mặt hàng dù chỉ trải qua các công đoạn gia công, lắp ráp, chế biến đơn giản tại Việt Nam nhưng cũng gắn nhãn "Sản xuất tại Việt Nam" khiến người tiêu dùng thắc mắc, thậm chí bức xúc nhưng các cơ quan chức năng lại không có căn cứ để phân xử...
Việc xây dựng bộ tiêu chí này được Bộ Công Thương đưa ra trước thực tế đã có quy định về ghi xuất xứ trên nhãn hàng hoá nhưng lại thiếu điều kiện thế nào là hàng sản xuất tại Việt Nam, "made in Vietnam" hay hàng Việt... để "áp" doanh nghiệp ghi nhãn hàng hoá. Điều này dẫn tới những trường hợp doanh nghiệp bị dính nghi án ghi sai xuất xứ hàng hoá, như Asanzo vừa qua.
Theo Nghị định 43/2017, trên nhãn hàng hóa bắt buộc phải thể hiện nước xuất xứ. Các tổ chức, cá nhân gắn nhãn hàng hóa tự chịu trách nhiệm về ghi nước xuất xứ, dựa trên sự hiểu biết tốt nhất của họ, miễn là trung thực.
Kiều Trang (T/h)