Bộ Công an cho biết, thời gian qua, tình hình tội phạm sử dụng công nghệ cao để lừa đảo chiếm đoạt tài sản có nhiều diễn biến phức tạp, với nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi, có xu hướng đan xen, kết hợp giữa nhiều hình thức lừa đảo khác nhau, gây thiệt hại lớn về tài sản và bức xúc trong nhân dân. Cơ quan công an chỉ ra thủ đoạn của các đối tượng là chủ động gọi điện thoại cho các bị hại để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Cụ thể, kẻ xấu mạo danh là giáo viên, nhân viên y tế nhà trường hoặc nhân viên y tế bệnh viện liên hệ trực tiếp với phụ huynh học sinh báo tin về việc học sinh, người nhà bị tai nạn, đang nhập viện cấp cứu, yêu cầu phải nhanh chóng chuyển tiền để đóng viện phí, cấp cứu bệnh nhân, từ đó chiếm đoạt tài sản.
Ngoài ra, những kẻ lừa đảo còn giả danh cán bộ của các cơ quan như công an, viện kiểm sát, tòa án, hải quan, cảnh sát giao thông… bịa đặt thông tin người được gọi liên quan đến một vụ việc đang bị điều tra. Chúng dùng lời lẽ đe dọa, khiến người được gọi hoang mang, buộc phải chuyển tiền hoặc gửi các thông tin cá nhân, thông tin tài khoản ngân hàng, mã OTP…, từ đó chiếm đoạt tài sản của bị hại.
Bên cạnh đó, chúng còn sử dụng chiêu trò giả danh người của các công ty, doanh nghiệp, ngành nghề (như bưu điện, xổ số, du lịch, giải trí…) gọi điện, nhắn tin cho người dân thông báo trúng thưởng phần quà, chương trình khuyến mãi có giá trị cao hoặc đang có bưu phẩm từ nước ngoài gửi về. Tuy nhiên, người gọi điện sẽ yêu cầu muốn nhận phần thưởng đó phải mua một sản phẩm hoặc chuyển trước một khoản tiền, hoặc điền các thông tin cá nhân vào các đường link website giả mạo do những kẻ này gửi đến, từ đó chiếm đoạt tài khoản ngân hàng, chiếm đoạt tài sản của các bị hại.
Ngoài ra, hình thức lừa đảo khác là mạo danh nhân viên chăm sóc khách hàng của các nhà mạng, ngân hàng, ví điện tử để hỗ trợ giải quyết các sự cố cho khách hàng hoặc hướng dẫn bị hại cách nâng cấp sim 4G - 5G, đóng cước phí thuê bao điện thoại... Khi lấy được lòng tin của bị hại và bị hại làm theo hướng dẫn, chúng sẽ yêu cầu bị hại cung cấp dãy số OTP được gửi đến điện thoại của bị hại, cung cấp tài khoản ngân hàng..., từ đó chiếm đoạt tài sản.
Đưa ra khuyến cáo phòng chống tội phạm lừa đảo sau những thủ đoạn trên, Bộ Công an đề nghị người dân không cung cấp thông tin cá nhân, số điện thoại, thông tin giấy tờ tùy thân, số tài khoản ngân hàng, mã OTP... cho người lạ hoặc kẻ tình nghi. Khi nhận các cuộc điện thoại có dấu hiệu lừa đảo, mọi người không nên lo sợ, mà nhanh chóng liên hệ với người thân, bạn bè, giáo viên chủ nhiệm của con em, người thân để được tư vấn.
Trường hợp có nghi ngờ về hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản, người dân cần kịp thời thông báo cho cơ quan công sở tại, hoặc tố giác tội phạm đến các cơ quan chức năng.
Khánh Ngân