Mới đây, trao đổi với báo chí tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ, Trung tướng Tô Ân Xô - Chánh Văn phòng, Người phát ngôn Bộ Công an cho biết, Cục Cảnh sát hình sự đã phối hợp với UBND và Mặt trận Tổ quốc các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi để xác minh làm rõ số tiền các cá nhân đã tiến hành cứu trợ, làm từ thiện tại đó.
Cục Cảnh sát hình sự đã mời làm việc với một số tổ chức, cá nhân, đề nghị cung cấp thông tin có liên quan, giúp có kết luận chính xác về vấn đề này theo đúng quy định của pháp luật.
Đồng thời, Cục Cảnh sát hình sự cũng đã chỉ đạo lực lượng cảnh sát hình sự ở một số địa phương tiến hành rà soát, nắm tình hình hoạt động từ thiện diễn ra trên các địa bàn để kịp thời phát hiện các trường hợp cá nhân, tổ chức lợi dụng hoạt động kêu gọi từ thiện để thực hiện các hành vi trục lợi hay chiếm đoạt tài sản.
"Thời gian qua vấn đề từ thiện có rất nhiều xôn xao, đề nghị các cá nhân gửi đơn tố cáo, các bị đơn và cư dân mạng bình tĩnh, kiểm chế cảm xúc không nên có những ngôn từ không phù hợp, gây ảnh hưởng đến cuộc sống bình thường của những người tố cáo hay bị tố cáo làm tổn thương để tinh thần người tố cáo và bị tố cáo", tướng Xô cho hay.
Trước vấn đề này, Trung tá Đào Trung Hiếu, chuyên gia tội phạm học, Bộ Công an cho biết, thời gian qua, trên mạng xã hội xuất hiện những thông tin phản ánh một số hiện tượng tiêu cực liên quan đến hoạt động từ thiện của một số người nổi tiếng, khiến dư luận đặc biệt quan tâm, đòi hỏi phải có hoạt động điều tra xác minh, làm rõ những tin đồn đó có căn cứ hay không.
Đồng thời các cơ quan chức năng cũng đã nhận được một số đơn trình báo, tố giác tội phạm cũng liên quan đến vấn đề này. Do đó, việc các cơ quan bảo vệ pháp luật vào cuộc tiến hành điều tra, xác minh là hoạt động bình thường, theo quy định của pháp luật. Trước yêu cầu, mong mỏi của cộng đồng xã hội về tính minh bạch trong hoạt động từ thiện, sự vào cuộc này là cần thiết và kịp thời.
Phân tích thêm về góc độ pháp lý, Trung tá Hiếu cho biết, có hai khả năng có thể xảy ra khi cơ quan chức năng vào cuộc điều tra. Thứ nhất là phát hiện, làm rõ và xử lý tội phạm (nếu có) theo quy định của pháp luật. Bởi nếu một người kêu gọi cộng đồng làm từ thiện để nhận được tiền và chiếm đoạt hoàn toàn, hoặc một phần số tiền đó, thì hành vi có dấu hiệu của tội phạm lừa đảo hoặc lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản;
Thứ hai, nếu người sử dụng mạng xã hội tố cáo đích danh người khác ăn chặn, biển thủ tiền từ thiện mà không có căn cứ xác đáng, hoặc cố ý bịa đặt và lan truyền những thông tin sai sự thật nhằm xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người bị cáo buộc, thì hành vi có dấu hiệu của tội vu khống, tội làm nhục người khác, hoặc tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Người phạm tội này sẽ bị xử lý về hình sự.
Trung tá Đào Trung Hiếu cũng cho rằng, việc cơ quan chức năng tiến hành xác minh các thông tin cáo buộc sai phạm trong hoạt động từ thiện sẽ giúp iải tỏa những nghi ngờ, bức xúc của dư luận. Hiện nay lòng tin của nhiều người đang bị xói mòn bởi các thông tin cáo buộc đối với một số cá nhân lợi dụng việc tổ chức hoạt động từ thiện để trục lợi. Dẫn đến tình huống những người có tấm lòng nhân ái, muốn giúp đỡ người khác trong hoạn nạn, nhưng lại e ngại số tiền phát tâm thiện nguyện của mình không đến được đúng địa chỉ, nên không tham gia vào các hoạt động từ thiện, nhân đạo. Hậu quả cuối cùng là người cần cứu giúp sẽ không nhận được sự hỗ trợ của cộng đồng.
“Việc xác minh làm rõ trắng đen, thực hư xung quanh các cáo buộc, giúp giải tỏa nghi vấn, giải oan cho người vô tội, hoặc trừng trị thích đáng người có tội. Chấn chỉnh hoạt động từ thiện nhân đạo, loại trừ những hiện tượng biến tướng, tiêu cực, răn đe những kẻ bất lương có ý định trục lợi, kiếm ăn trên lòng nhân ái của đồng bào”, Trung tá Đào Trung Hiếu nhấn mạnh.
Khánh Ngân