Báo Thanh Niên đưa tin, Bộ trưởng bộ Công an Tô Lâm vừa gửi các đại biểu Quốc hội báo cáo về một số vấn đề liên quan nội dung chất vấn tại phiên họp 14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào ngày 10/8 tới.
Liên quan tới vấn đề cấp hộ chiếu mẫu mới, Bộ trưởng bộ Công an Tô Lâm cho biết, ngày 22/11/2019, tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội XIV đã thông qua luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam, trong đó có quy định về các loại giấy tờ xuất, nhập cảnh.
Thực hiện quy định của luật, bộ Công an đã ban hành Thông tư số 73 ngày 29/6/2021 quy định về mẫu hộ chiếu, giấy thông hành và các biểu mẫu có liên quan. Theo ông Lâm, dự thảo thông tư có xin ý kiến các bộ, ngành liên quan.
Bộ trưởng bộ Công an cho hay, so với hộ chiếu mẫu cũ, hộ chiếu mẫu mới được sản xuất, in ấn bằng công nghệ hiện đại, đáp ứng yêu cầu bảo an cao hơn và chống nguy cơ làm giả, đạt tiêu chuẩn của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO).
Bộ Công an lý giải hình ảnh tại các trang trong hộ chiếu phổ thông mẫu mới là những hình ảnh tiêu biểu về cảnh đẹp đất nước, di sản văn hóa Việt Nam, giúp quảng bá hình ảnh đặc trưng của đất nước, con người Việt Nam với bạn bè quốc tế, là điểm đến ấn tượng, thú vị (các hình ảnh đưa vào hộ chiếu đã được Hội đồng gồm các chuyên gia về văn hóa, họa sĩ, nhà sử học... thẩm định).
Tính đến nay, bộ Công an đã cấp 272.000 hộ chiếu theo mẫu mới cho công dân trên toàn quốc. Đồng thời, tổ chức tuyên truyền về mẫu hộ chiếu mới và thời điểm cấp hộ chiếu cũng như tiện ích của việc nộp hồ sơ trực tuyến (dịch vụ công cấp độ 4) để hạn chế công dân đến nộp hồ sơ trực tiếp tại trụ sở cơ quan quản lý xuất nhập cảnh.
Bộ trưởng Công an cho biết theo quy định của ICAO, tiêu chuẩn hộ chiếu, các thông tin bắt buộc phải có trên hộ chiếu bao gồm: Loại hộ chiếu, họ và tên, số hộ chiếu, quốc tịch, ngày tháng năm sinh, giới tính và ngày hết hạn hộ chiếu. Ngoài ra, ICAO cũng quy định cụ thể về cách thiết kế, bố trí từng nội dung thông tin trên trang nhân thân của hộ chiếu để đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất với máy đọc hộ chiếu của các quốc gia trên thế giới.
Giải thích cho việc hộ chiếu mới không có thông tin nơi sinh, Bộ trưởng Công an cho hay theo quy định của ICAO, các thông tin khác như nơi sinh tùy thuộc vào từng quốc gia, không bắt buộc phải có.
Theo quy định tại khoản 3, Điều 6, Luật xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam, các thông tin trên hộ chiếu không có nơi sinh. Trên cơ sở này, bộ Công an ban hành thông tư 73, và mẫu hộ chiếu mới ban hành theo thông tư không có thông tin nơi sinh, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho công dân ta trong quá trình nhập cảnh.
Về vấn đề một số nước Châu Âu thông báo từ chối cấp thị thực vào hộ chiếu mẫu mới của Việt Nam, theo Bộ trưởng Công an, cơ quan chức năng của Việt Nam đã làm việc với các nước và xác định đây là vấn đề mang tính kỹ thuật.
Với nhận định hộ chiếu thiếu nơi sinh sẽ gây khó khăn cho công tác quản lý của các nước sở tại, Bộ Công an cho biết để giải quyết cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho công dân Việt Nam khi làm thủ tục xin thị thực vào các nước trong khu vực Schengen gồm 26 quốc gia châu Âu, cơ quan này đã thống nhất với bộ Ngoại giao trước mắt tiến hành bị chú “nơi sinh” vào hộ chiếu mẫu mới cho công dân khi công dân có đề nghị.
"Về lâu dài sẽ tiến hành sửa đổi mẫu hộ chiếu, trong đó bổ sung mục 'nơi sinh' trang nhân thân hộ chiếu", bộ Công an nêu rõ và cho biết đang lấy ý kiến của Ủy ban Quốc phòng và An ninh, Ủy ban Pháp luật, Văn phòng Chính phủ, bộ Tư pháp, bộ Ngoại giao về vấn đề này.
Cũng theo báo cáo của Bộ trưởng Tô Lâm, tính đến ngày 5/8, bộ đã cấp được 67.910.130 thẻ căn cước công dân gắn chip.
Đồng thời tích cực triển khai các giải pháp để cố gắng hoàn thành việc cấp căn cước công dân gắn chip cho toàn bộ người dân có đủ điều kiện trước ngày 30/9 (riêng công dân tại 5 thành phố trực thuộc trung ương dự kiến hoàn thành trong tháng 8).
Cùng với việc đẩy mạnh cấp căn cước công dân gắn chip, ngày 18/7, bộ Công an đã hoàn thành xây dựng và công bố hệ thống định danh và xác thực điện tử đi vào hoạt động chính thức.
Đây là một bước tiến mới, đưa Việt Nam chính thức là một trong những nước có định danh điện tử quốc gia (tài khoản định danh điện tử có thể được xem như “căn cước công dân trên mạng”).
Đồng thời, đẩy mạnh nghiên cứu, tích hợp thông tin trên thẻ căn cước tạo thuận lợi nhất cho người dân, điển hình đã tích hợp thông tin thẻ bảo hiểm xã hội vào thẻ căn cước để đi khám bệnh tại các cơ sở y tế (53,1% cơ sở y tế đã thực hiện).
Bích Thảo(T/h)