Xin bình luận viên (BLV) Quang Huy một cái hẹn giữa mùa World Cup, đến nơi, thấy đèn phòng Phó giám đốc Đài VTC tối om, đẩy cửa thì thấy cái lưng to như tấm phản của anh hiên ngang trên ghế sofa. Hóa ra, nguyên tắc của Quang Huy mùa World Cup là “chợp mắt bất kỳ lúc nào có thể”.
|
BLV Quang Huy. |
Áp lực cũng là động lực
Mùa World Cup 2014 này, lịch sinh hoạt của anh hẳn bị xáo trộn, hơn bất kỳ ai?
- Năm nay, đơn vị có bản quyền World Cup là VTV mời tôi tham gia bình luận. Thức đêm thức hôm, nhưng một mặt, vẫn phải đảm bảo công việc thường ngày ở cơ quan trong tình trạng tỉnh táo. Bởi vậy, cứ hở ra chút thời gian là… ngủ. Thật ra, giờ thì không thể theo được tất cả các trận đấu như mọi năm. Ngày xưa thì đúng là mỗi kỳ World Cup hay EURO là có thể thức thông mấy đêm liền được nhưng giờ thì… chịu vì công việc quản lý ở đài rất bận rộn và đòi hỏi trách nhiệm cao. Thành thử, thời gian dành cho gia đình lúc này là… số 0.
Mới đầu mùa World Cup, đã có không ít “gạch đá ném tới tấp” vào một BLV trẻ. Thời facebook, anh có thấy cái nghề dễ “sảy mồm” này áp lực hơn trước?
- Quả vậy. Thời đại công nghệ số, mỗi người có thể nắm bắt thông tin theo nhiều luồng khác nhau. Người ta có thể lên mạng, đọc và chia sẻ những bình luận của các nhà báo quốc tế, những chuyên gia tên tuổi... Chính nhờ được hấp thụ những luồng thông tin khổng lồ ấy mà người xem cũng tự tin hơn khi đưa ra chính kiến của mình. Nhưng theo tôi, vấn đề chính vẫn là mỗi BLV phải cho người xem thấy những tích lũy của họ là những tích lũy tự nhiên qua năm tháng thì sẽ có sự khác biệt. Phải cho khán giả thấy là mình “cao tay” hơn họ, dù cơ hội tiếp cận các nguồn tin là như nhau…
Đứng trước cả triệu “nhà thông thái”, một BLV kinh nghiệm đầy mình như anh liệu có được miễn nhiễm?
- Tôi thì thực tình năm nay cũng đã trên dưới 40 tuổi, tham gia bình luận cũng 20 năm nhưng mỗi trận đấu là một cơ hội tích lũy đam mê, kiến thức và tìm hiểu xem khán giả hiện nay đang cần gì. Thành ra áp lực với tôi lại trở thành động lực. Và cũng thú thật là tích lũy cả… sức khỏe, có những hôm đi làm về tôi còn không dám… tắm vì tắm đêm rất nguy hiểm. Có thể là không…chết (cười), nhưng ho hắng cảm lạnh thì ảnh hưởng tới công việc ngày hôm sau.
Nhưng rõ ràng thế này nhé, có thể anh, với những tích lũy của mình vẫn đang được mọi người yêu quý, còn lại những anh em BLV trẻ khác lại chưa đáp ứng được kỳ vọng của người xem. Thậm chí còn thấp hơn “mặt bằng” NHM…
- Tôi luôn nghĩ rằng, BLV là cái mắc áo, việc của mình chỉ là treo cái áo đẹp lên đúng thời điểm, đúng chỗ, ở một vị trí trang trọng để tôn cái áo đẹp đấy lên trong mắt người xem. Nhưng cũng có BLV muốn mình biến thành cái áo bằng cách khoe khoang kiến thức. Khi BLV đứng đúng vị trí của mình, ở một vị trí khiêm tốn thì dù có vấp váp cũng sẽ được người xem thông cảm. Một BLV có tích lũy, đam mê thì câu chuyện kể ra với người xem cũng sẽ trở nên gần gũi hơn. Một trong những bí quyết mà BLV có thể ghi nhận đó là sự gần gũi với khán giả chứ không phải những lời răn dạy. Mặt khác, đôi khi còn là cái duyên. Với nghề MC hay BLV, cái duyên rất quan trọng, thậm chí quyết định sự thành bại của nghề. Tuy nhiên, một mặt, tôi cũng mong khán giả hãy thông cảm với những áp lực mà lực lượng BLV chúng tôi đang gánh chịu để cùng nhau thưởng thức trận đấu một cách tốt nhất.
Từ World Cup nghĩ về ASIAD
Trước giờ World Cup khai cuộc, một làn sóng biểu tình đã diễn ra tại Brazil vì người dân cho rằng chính phủ đã bỏ ra một khoản tiền quá lớn trong khi còn nhiều vấn đề xã hội khác như y tế, giáo dục… cần quan tâm hơn. Anh thấy sao?
- Tôi nghĩ mỗi World Cup đều có những giá trị riêng của nó. Chẳng hạn World Cup 2010 diễn ra ở Nam Phi mà tôi có dịp tham dự, thì câu chuyện của nó là cơ hội để hòa hợp dân tộc mà chỉ có con người vĩ đại như Nelson Mandela mới có thể đưa World Cup về Nam Phi và ông đã thành công. Còn ở Brazil, có thể chỉ là câu chuyện kinh tế.
Dù ở Brazil có sự chênh lệch về giàu nghèo nhưng Brazil vẫn là đất nước có sự phát triển về kinh tế. Thậm chí họ quyết tâm làm một việc mà ít quốc gia nào dám làm là tổ chức liên tiếp World Cup và Olympic. Đó là hai cuộc chơi rất tốn kém nhưng nó cũng sẽ nâng vị thế của Brazil lên rất cao sau các sự kiện này. Nhìn chung Brazil là quốc gia xứng đáng nhất để tổ chức World Cup này và việc biểu tình cũng chỉ đại diện cho một nhóm nhỏ, chứ tôi tin hầu hết người Brazil ủng hộ World Cup.
Nó khác với cách mà chúng ta tiếp nhận việc đăng cai ASIAD 18 năm 2019?
- Tôi nghĩ không thể so sánh được. Cho đến lúc này, Brazil đăng cai World Cup vẫn là quyết định đúng của họ và Việt Nam từ chối quyền đăng cai ASIAD 18 cũng là quyết định đúng của chúng ta. Ở Việt Nam nếu có cuộc trưng cầu ý kiến thì chỉ có một nhóm nhỏ đồng ý, còn đa số chắc chắn là sẽ ủng hộ việc không đăng cai ASIAD.
Cho đến lúc này, về chuyên môn, điều gì khiến anh ấn tượng ở World Cup 2014?
- Đó là việc mỗi nền bóng đá đã thể hiện được những nét riêng, nét đặc trưng của mình. Nếu World Cup là một bình hoa thì mỗi đội tuyển phải là một bông hoa khác nhau. Hà Lan đã trở lại với lối chơi bay bổng của họ, rất mạnh mẽ nhưng cũng đầy mạo hiểm. Italia cũng vậy, chất Ý trong họ vẫn tràn đầy… Xem World Cup là xem tính trường phái của từng quốc gia, thậm chí của từng châu lục. Về chất lượng thì giải vô địch Châu Âu có khi còn chất lượng hơn World Cup. Điều thú vị ở World Cup chính là thông qua bóng đá, chúng ta còn nhìn thấy bóng dáng văn hóa, tính cách con người, đặc trưng của từng quốc gia. Chính những điều đó đã tạo nên nét hấp dẫn của bóng đá. Tuy nhiên, có một điều mà ít người để ý, đó là World Cup thể hiện khá rõ văn hóa thể chất…
“Văn hóa thể chất”?
- Khái niệm đó đâu có gì xa lạ. Trước đây, Liên Xô rất tập trung vào việc xây dựng “văn hóa thể chất” cho các VĐV thể thao, trong đó có bóng đá. Ở Việt Nam cũng đã có người sang Liên Xô nghiên cứu, học hỏi vấn đề này nhưng không thể áp dụng được ở Việt Nam vì thiếu điều kiện. Văn hóa thể chất sẽ xác định tính trường phái và lối chơi đặc trưng cho từng đội tuyển quốc gia. Ở Việt Nam ít người biết về khái niệm này nên cũng là nguyên nhân của việc cứ loay hoay tìm lối chơi mà chưa được.
Ở châu Á có hai quốc gia xây dựng được văn hóa thể chất khá rõ nét là Hàn Quốc và Nhật Bản. Vấn đề của thể thao Việt Nam chính là chưa xác định được nền tảng và hướng đi của mình nên thành tích cứ phập phù, nhất là trong bóng đá. Bởi thế từ World Cup ở Brazil mà nhìn chặng đường đến World Cup của Việt Nam thì thấy còn xa lắm...
Theo Lao động
Link bài gốcLấy link
https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/blv-quang-huy-binh-luan-vien-chi-la-cai-mac-ao-a37737.html