Trên một số phương tiện truyền thông và mạng xã hội, Biti’s thường được gọi là “thương hiệu quốc dân” của người Việt Nam. Tuy nhiên, liệu Biti’s có thực sự hội đủ điều kiện cần và đủ để xứng đáng với danh hiệu này?
“Đánh chiếm” lại thị trường: Đường dài mới biết ngựa hay
Xét về yếu tố kinh doanh, có thời điểm, Việt Nam là “sân chơi” dành riêng cho các thương hiệu nội địa như Biti’s. Những năm 1990, hầu như ai cũng sở hữu một đôi xăng đan của thương hiệu này vì giá cả hợp túi tiền của đại đa số người dùng thời điểm đó và lại bền lâu, kinh tế.
Biti’s từng “phủ sóng” thị trường nội địa những năm 1990 |
Tuy nhiên, từ khi các thương hiệu thời trang quốc tế tràn vào Việt Nam, Biti’s đã phải chia sẻ thị phần. Nguyên nhân rất dễ hiểu. Biti’s bị mặc định là giày bình dân, có phần hơi “già”. Trong khi đó, với người tiêu dùng ngày nay, giá thành, độ bền không còn là yếu tố duy nhất được cân nhắc.
Để giành lại thị phần, năm 2016 vừa qua, Biti’s đã bất ngờ trở lại với hàng loạt chiến dịch truyền thông, đặc biệt là 2 MV ấn tượng Lạc trôi và Đi để trở về, đánh dấu một màn tái xuất ngoạn mục. Được biết, sau chiến dịch “trẻ hóa” này, Biti’s và đặc biệt là Biti’s Hunter đã được nhiều khách hàng trẻ tuổi tìm kiếm, thậm chí “cháy” ở một số cửa hàng.
Dù vậy, việc trở lại thời kỳ hoàng kim khi Biti’s “phủ sóng” thị trường là điều không dễ dàng, “đường dài mới biết ngựa hay”. Nếu chỉ xét về doanh thu, Biti’s rõ ràng khó lòng giữ vững danh hiệu “thương hiệu quốc dân” như vài chục năm về trước.
Liệu các dòng Biti’s khác có thành công được như Biti’s Hunter? |
Toàn thắng trên “mặt trận cảm xúc”
Biti’s là một trong số ít thương hiệu chiếm trọn được niềm tin yêu của người Việt. Thời kỳ đầu xuất hiện trên thị trường, xăng đan Biti’s đã là một phần không thể thiếu trong mọi gia đình do chất liệu bền, giá phải chăng và thị trường ít sự lựa chọn. Biti’s gắn với kỷ niệm của người Việt – một yếu tố truyền thông quá tốt mà chỉ có những thương hiệu nội địa lâu đời mới có được.
Năm 2001, Biti’s tiếp tục được “khắc sâu” vào tâm trí người tiêu dùng với đoạn quảng cáo vỏn vẹn 30 giây nhưng chứa đựng thông điệp lớn lao và đầy cảm xúc, mà đến giờ nhiều người còn thuộc: “Bước chân Âu Cơ lên non. Bước chân Lạc Long Quân xuống biển... Bước chân Tây Sơn thần tốc. Bước chân vượt dãy Trường Sơn. Bước chân tiến vào thiên niên kỷ mới. Bitis - nâng niu bàn chân Việt”.
Đáng tiếc là sau quảng cáo ấn tượng đó, Biti’s mất hút, và dường như bỏ lỡ cơ hội chen chân vào thị trường hiện đại.
Phải đến năm 2016, thương hiệu nội địa này mới bất ngờ trở lại với một chiến dịch rầm rộ. Kết hợp với MV của 2 nam ca sĩ đại diện cho giới trẻ Việt là Sơn Tùng MTP và Soobin Hoàng Sơn, mang tới thông điệp đánh vào cảm xúc: “Đi và yêu”, “Đi để trở về”… Biti’s một lần nữa khẳng định, trên “mặt trận cảm xúc”, thương hiệu này luôn toàn thắng. Sự chào đón nồng nhiệt của thị trường một lần nữa cho thấy, Biti’s đã và luôn có chỗ đứng đẹp trong lòng người tiêu dùng Việt Nam.
Biti’s “trẻ hóa” với thông điệp “Đi và yêu” |
Từ một thương hiệu tưởng chừng bị lãng quên, người Việt lại dõi theo nhất cử nhất động của Biti’s. Và như để khẳng định, thương hiệu đã có thế hệ kế thừa, đầu năm 2017, chiến dịch kỷ niệm 35 năm hành trình tại Việt Nam vừa được tung ra.
Bắt đầu với MV mang tên Cuộc đời là những bước chân do Hà Anh Tuấn và Bích Phương thể hiện, với khuôn hình thơ mộng và lời ca đầy đong đầy cảm xúc, Biti’s đã tiếp tục con đường “chinh phục” triệu trái tim Việt. Con số hàng triệu lượt view chỉ trong những ngày đầu tiên ra mắt đã là bảo chứng đầu tiên cho sự thành công của chiến dịch hướng tới trái tim này.
MV Cuộc đời là những bước chân đánh dấu 35 năm chiếm trọn trái tim người Việt của Biti’s |
Song song, một cuộc thi chia sẻ những “bước chân” quan trọng trong đời được tung ra và dễ dàng được đón nhận. Với sự đầu tư bài bản về ý tưởng, luôn trân trọng yếu tố cảm xúc, lịch sử 35 năm của Biti’s đã được “viết tiếp” như thế.
Có thể nói, nếu xét đến yếu tố cảm xúc, niềm tin yêu, Biti’s xứng đáng là một “thương hiệu quốc dân”. Tất nhiên, việc giữ được chỗ đứng này bao lâu và còn tiến xa đến đâu trên thị trường đầy cạnh tranh hiện nay vẫn còn là một “bài toán” không dễ cho thế hệ kế thừa của thương hiệu.
|