+Aa-
    Zalo

    Bình Thuận: Gian nan giữ rừng phòng hộ Sông Lũy

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Chỉ từ tháng 11/2014 đến nay, tại Ban Quản lý rừng phòng hộ Sông Lũy, huyện Bắc Bình (Bình Thuận) đã để xảy ra nhiều vụ phá rừng nghiêm trọng.

    (ĐSPL) - Chỉ từ tháng 11/2014 đến nay, tại Ban Quản lý rừng phòng hộ Sông Lũy, huyện Bắc Bình (Bình Thuận) đã để xảy ra nhiều vụ phá rừng nghiêm trọng. Hàng trăm m3 gỗ quý như bằng lăng, dầu, cà chí bị triệt hạ. Tuy nhiên, lâm tặc chỉ mới vận chuyển ra khỏi rừng khoảng 50m3 gỗ hộp bằng lăng.

    Một lãnh đạo UBND tỉnh Bình Thuận cho biết: “UBND tỉnh đang rất quan tâm đến vụ phá rừng Sông Lũy. Tỉnh sẽ chỉ đạo các cơ quan theo dõi sát các vụ phá rừng này và đề nghị xử lý kiên quyết, cụ thể đối với từng vụ việc”.

    Trước đó, vào khoảng giữa tháng 11/2014, tại khu vực dốc Ho Lao của tiểu khu 70 thuộc rừng phòng hộ Sông Lũy có 27 cây dầu đường kính từ 70cm trở lên bị triệt hạ, nhưng lâm tặc chưa kịp lấy đi lóng gỗ nào.

    Ngoài ra, tại khu vực suối Nhân của tiểu khu 137 thuộc rừng phòng hộ này, có hơn 50 cây căm liên bị triệt hạ với trữ lượng gỗ bị thiệt hại khoảng 20m3.

    Hiện trường hủy hoại rừng căm liên non ở tiểu khu 137. Ảnh: P.N

    Tiếp đó, vào ngày 17/12, tại khu vực sông Dú, thuộc tiểu khu 73A,  thuộc lâm phần quản lý của trạm Sa Mai, xã Phan Sơn, huyện Bắc Bình, lực lượng chức năng phát hiện có khoảng 60m3 gỗ bị triệt hạ tại khu vực này. Cụ thể, lâm tặc đã triệt hạ gỗ, cưa xẻ tại chỗ và vận chuyển đi 25m3, gỗ còn lại hiện trường khoảng 35m3. Tại đây, có gần 50 gốc bằng lăng đường kính từ 70 đến 80cm bị triệt hạ chưa kịp xẻ nằm vương vãi khắp nơi. Thỉnh thoảng mới có vài điểm cưa xẻ gỗ tại chỗ mà gỗ đã bị lấy đi, chỉ còn những đống mạt cưa to đùng và vài tấm ván bìa. Lâm tặc còn vứt lại một số can nhựa đựng dầu, nhớt mà họ đưa vào rừng dùng làm nhiên liệu cho cưa máy.

    Có gần 50 gốc bằng lăng cổ thụ bị lâm tặc triệt hạ. Ảnh: T.T

    Mới đây nhất, lực lượng chức năng phát hiện một điểm khác tại rừng phòng hộ Sông Lũy bị lâm tặc tàn sát, chỉ cách hiện trường vụ phá rừng Sông Dú khoảng 500m đường núi. Tại hiện trường, có hơn 20 gốc cây cà chí có đường kính từ 70 đến 80cm bị triệt hạ. Toàn bộ số gỗ này đã được lâm tặc cưa xẻ bằng cưa máy thành hộp và chưa kịp vận chuyển. Khu vực này nằm sát con đường mòn vận chuyển gỗ bằng xe cải tiến được xác định nằm giáp ranh giữa hai tiểu khu 79 và 72 thuộc Ban Quản lý rừng phòng hộ Sông Lũy quản lý và bảo vệ.

    Gỗ cà chí đã xẻ hộp nằm tại hiện trường nhưng chủ rừng vẫn chưa phát hiện, đánh số, lập biên bản. Ảnh: P.N

    Trao đổi về tình trạng này trên báo vov.vn, ông Nguyễn Văn Hòa, Tổ trưởng tổ cơ động, Ban quản lý rừng phòng hộ Sông Lũy cho biết, rừng phòng hộ Sông Lũy giáp ranh với tỉnh Lâm Đồng kéo dài hơn 50 cây số trên địa hình đồi núi hiểm trở. Những đối tượng phá rừng thường sẵn sàng chống trả lực lượng chức năng bằng các loại vũ khí tự chế, đe dọa tính mạng của các nhân viên bảo vệ rừng. Lực lượng bảo vệ rừng ở đây vừa mỏng vừa thiếu công cụ hỗ trợ, do vậy, nếu có phát hiện, cũng không thể khống chế các nhóm lâm tặc có tổ chức đến từ Lâm Đồng.

    Với tình hình như thế, vào mùa khô, nhất là thời điểm gần tết Nguyên đán Ất Mùi, Ban Quản lý rừng phòng hộ Sông Lũy sẽ tiếp tục gặp rất nhiều khó khăn và phức tạp trong công tác bảo vệ rừng.

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/binh-thuan-gian-nan-giu-rung-phong-ho-song-luy-a80010.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan