Theo đánh giá của Sở Công thương Bình Phước, trong thời gian giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, tâm lý người dân lo ngại không dám đi ra đường. Do vậy, đã có tình trạng người dân tập trung mua sắm các mặt hàng nhu yếu phẩm tại cùng một thời điểm và một địa điểm.
Bên cạnh đó, việc các chợ đầu mối tại TP.HCM dừng hoạt động, các địa phương lân cận kiểm soát chặt chẽ khâu vận chuyển hàng hóa, khiến giá một số mặt hàng thủy hải sản, rau củ, trứng gia cầm tại Bình Phước tăng từ 10 - 30%.
Nhằm kịp thời phát hiện, chấn chỉnh và xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng tình hình dịch bệnh COVID-19 để tăng giá bán các mặt hàng nhu yếu phẩm, tỉnh Bình Phước đã thành lập 2 đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra 3 siêu thị và 24 cửa hàng Bách Hóa Xanh trên địa bàn.
Kết quả kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính đối với 9 cửa hàng Bách Hóa Xanh với các hành vi kinh doanh hàng hết hạn sử dụng (8 vụ), không niêm yết giá (1 vụ), xử phạt tổng số tiền 14,3 triệu đồng, tiêu hủy 284 sản phẩm hết hạn sử dụng.
Bên cạnh đó, Cục Quản lý thị trường tỉnh Bình Phước đã tăng cường công tác quản lý địa bàn, tiến hành kiểm tra, kiểm soát các cơ sở kinh doanh hàng hóa dịch vụ thiết yếu, kịp thời phát hiện, và xử lý nghiêm hành vi vi phạm về không niêm yết giá bán, lợi dụng tình hình khan hiếm hàng hóa trên thị trường để mua gom, tích trữ hoặc lợi dụng dịch bệnh để nâng giá bất hợp lý đối với các mặt hàng khẩu trang, dung dịch sát khuẩn, trang thiết bị y tế, lương thực, thực phẩm và các mặt hàng thiết yếu khác.
Kết quả, đã kiểm tra 9 vụ, xử lý 6 vụ vi phạm với các hành vi không niêm yết giá, bán giá cao hơn giá niêm yết, kinh doanh hàng hóa quá hạn sử dụng.
Hiện, Bình Phước có 56 chợ, 34 doanh nghiệp phân phối, 3 siêu thị bán lẻ, 60 cửa hàng Bách Hóa Xanh và hơn 500 cơ sở kinh doanh các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu ở các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh. Lãnh đạo tỉnh Bình Phước đã chỉ đạo các đơn vị, địa phương cung cấp hàng hóa và liên tục kiểm tra không để xảy ra tình trạng đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý.
Mộc Miên (T/h)