Tiềm năng của cây điều
Bình Phước được xem là “thủ phủ điều” của Việt Nam với diện tích và sản lượng điều lớn nhất cả nước. Hạt điều Bình Phước nổi tiếng với năng suất cao được đánh giá có chất lượng thơm ngon nhất thế giới. Cây điều đang là cây trồng chủ lực mang lại giá trị kinh tế cao giải quyết công ăn việc làm của địa phương, hầu như cây điều được trồng phổ biến ở tất cả các huyện trong tỉnh nhưng tập trung chủ yếu tại 4 huyện Bù Đăng, Bù Gia Mập, Phú Riềng và Đồng Phú. Tổng diện tích điều năm 2022 là 151.124 ha (tăng 9.632 ha so với năm 2021), trong đó diện tích cho sản phẩm là 147.729 ha; năng suất trung bình 11,54 tạ/ha, sản lượng điều đạt 170.500 tấn.
Trước đây người dân xem điều là cây trồng để giữ đất hay làm bóng mát, hàng rào. Nhưng khi nhận ra được lợi ích, giá trị mà nó mang lại người dân đã bắt đầu trồng và chăm sóc nó. Ngày nay, cây điều đã và đang trở thành cây xóa đói giảm nghèo cho người dân nơi đây.
Cây điều ở Bình Phước được trồng trên vùng đất đỏ bazan màu mỡ, mỗi năm có hai mùa nắng, mưa rõ rệt. Hầu hết vùng nguyên liệu điều ở Bình Phước được trồng tự nhiên, cây tự hút chất dinh dưỡng trong đất để phát triển; hàng năm, người trồng điều chỉ bón thêm một lượng phân hữu cơ nhất định và không sử dụng các loại thuốc kích thích tăng trưởng trong quá trình cây làm hạt.
Bình Phước cũng đang quy hoạch phát triển ngành điều của tỉnh đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030 với mục tiêu ổn định diện tích cây điều theo hướng thâm canh, xen canh; gắn sản xuất với công nghiệp chế biến hạt điều; ứng dụng kỹ thuật tiên tiến để đa dạng hóa sản phẩm ngành điều, chủ động kiểm soát chất lượng, khắc phục tình trạng gian lận thương mại, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm; nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển thương hiệu điều Bình Phước trên thị trường trong nước và quốc tế. Phát triển ngành điều bền vững trên cơ sở phát huy đầy đủ hiệu quả mối liên kết chặt chẽ giữa sản xuất - thu mua - chế biến và tiêu thụ. Phát triển công nghiệp chế biến sâu các sản phẩm từ điều, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, đáp ứng nhu cầu của thị trường, nhất là các thị trường xuất khẩu.
Ông Trần Quốc Duy, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư Thương mại và Du lịch tỉnh Bình Phước cho biết đơn vị cũng đã và đang tập trung thực hiện các giải pháp cần thiết, kịp thời để hỗ trợ cho các doanh nghiệp, đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp tìm các bạn hàng trong và ngoài nước để mở rộng thị trường hạt điều.
Mở rộng thị trường nội địa
Hiện Bình Phước chiếm hơn 50% diện tích và hơn 54% sản lượng điều cả nước. Toàn tỉnh có 1.416 cơ sở chế biến hạt điều trong tổng 3.000 cơ sở chế biến điều toàn quốc; 140 DN vừa và nhỏ, hơn 1.200 DN siêu nhỏ, 39 tổ hợp sản xuất với hơn 500 hội viên tham gia dưới hình thức hỗ trợ nhau trong sản xuất, hướng đến sản xuất theo chuỗi khép kín, chế biến sâu.
Là một người con sinh ra tại thị xã Phước Long, tỉnh Bình Phước, từ nhỏ anh Nguyễn Hoàng Đạt - Giám đốc Công ty TNHH Vinahe đã bén duyên với hạt điều, anh luôn khao khát đưa hạt điều thơm ngon của tỉnh Bình Phước đến với người tiêu dùng trong nước và vươn ra thế giới. Tuy nhiên, ở Việt Nam một quốc gia xuất khẩu điều đứng thứ 2 trên thế giới thì người dân hầu như chưa nắm bắt hết được giá trị của hạt điều, chỉ xem hạt điều như một thức ăn chơi, chưa có ý thức đây là một thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao và rất tốt cho sức khoẻ, chính vì thế anh Đạt chia sẻ, anh luôn muốn tìm hướng đi để giúp thị trường nội địa ưa chuộng hạt điều hơn.
Rủi ro lừa đảo trong xuất khẩu nông sản và cảnh báo của chuyên gia
Việt Nam là nền kinh tế năng động, có độ mở cao, hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng nên hoạt động giao thương, đầu tư của doanh nghiệp ngày càng phát triển; các doanh nghiệp Việt Nam, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, dễ trở thành mục tiêu của lừa đảo hoặc vướng phải tranh chấp thương mại phức tạp. Trước đó, vào đầu năm 2022, câu chuyện gần 100 container hạt điều xuất sang Ý có dấu hiệu bị lừa đảo đã gây "chấn động" trong "làng xuất khẩu" Việt Nam. Trong vụ việc này, các doanh nghiệp Việt đã thực hiện hợp đồng với phương thức thanh toán "nhờ thu" hay còn gọi là "trả tiền nhận chứng từ D/P" và rủi ro đã xảy ra khi các doanh nghiệp này mất quyền kiểm soát các bộ chứng từ gốc. Rất kịp thời các doanh nghiệp đã nhanh chân giữ lại được đa số các container, chỉ có 36 container là mất kiểm soát
Từ vụ việc trên chuyên gia khuyến cáo, các doanh nghiệp muốn kinh doanh quốc tế an toàn cần phải tự hoàn chỉnh mình, có nhân lực tốt, bộ máy tốt, hệ thống quản trị rủi ro tốt. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp phải có mạng lưới thông tin, thường xuyên liên hệ với các cơ quan thương vụ Việt Nam và các tổ chức hỗ trợ, dịch vụ pháp lý chuyên nghiệp trong sử dụng các dịch vụ pháp lý.
Ngoài ra, thời gian qua, tại Việt Nam hiện tượng doanh nghiệp găm hàng, làm giá cũng khiến cho ngành điều gặp khó khăn. Trải qua 30 năm trong lĩnh vực điều, ông Vũ Thái Sơn - Chủ tịch Hội điều Bình Phước có những chia sẻ và cảnh báo về vấn đề này.
Từ việc nhận diện những rủi ro đối với ngành điều hiện nay, cũng như phân loại doanh nghiệp trong quá trình hoạt động sản xuất - kinh doanh đã giúp các cơ quan chức năng liên quan tìm được nguyên nhân gốc rễ của vấn đề. Từ đó có giải pháp phù hợp đưa ngành điều phát triển ổn định, bền vững hơn trong thời gian tới.