+Aa-
    Zalo

    "Bình hoa di động" lên ngôi: Tiêu chí dễ dãi hay "nhắm mắt cho qua"?

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Trong nhiều cuộc thi sắc đẹp diễn ra ở Việt Nam mấy năm trở lại đây, những thí sinh có phần thi ứng xử ngây ngô, khiến dư luận hoặc phải ngán ngẩm...

    (ĐSPL) - Trong nhiều cuộc thi sắc đẹp diễn ra ở Việt Nam mấy năm trở lại đây, những thí sinh có phần thi ứng xử ngây ngô, khiến dư luận hoặc phải ngán ngẩm hoặc phải cười lăn cười bò không còn hiếm. Nhưng, điều lạ lùng là những “bình hoa di động” đó, tại nhiều cuộc thi sắc đẹp vẫn lên ngôi “một cách đầy thuyết phục”.

    “Thảm họa” năm nào cũng có

    Vậy là cuộc thi Hoa hậu Biển 2016 đã khép lại sau những ồn ào, tai tiếng không đáng có. Nào là nghi vấn bị mua giải, nào là ban tổ chức bị một số nghệ sỹ lên tiếng tố cáo hành xử thiếu tôn trọng. Và, mới nhất là chuyện người lên ngôi cao nhất của cuộc thi bị cho là không xứng đáng vì phần thi ứng xử trả lời ngắc ngứ, sáo rỗng.

    Cụ thể trong phần thi ứng xử, thí sinh Phạm Thùy Trang (sau đó lên ngôi hoa hậu) khi nhận được câu hỏi mở về việc chia sẻ cảm xúc qua những ngày đến vịnh Hạ Long, cô ấp úng trả lời: “Chúng ta thấy vịnh Hạ Long... và lời đầu tiên cho em xin gửi lời chào tới ban tổ chức, ban giám khảo và quý vị khán giả lời chào và lời chúc sức khỏe. Chúng ta thấy vịnh Hạ Long là món quà quý giá thiên nhiên đã ban tặng. Khi em đến đây, thấy được màu xanh của trời, của biển và màu xanh... của núi ạ... Em xin một tràng pháo tay được không ạ? Cùng tuyên truyền với bạn bè, người thân để bảo vệ môi trường Việt Nam nói chung cũng như môi trường biển đảo nói riêng. Cũng qua đây khi đến với vịnh Hạ Long, em muốn gửi lời tới tất cả mọi người, chúng ta cùng chung tay làm theo phong trào vì biển đảo quê hương, làm giàu cho đất nước. Em xin hết”.

    Phạm Thùy Trang đăng quang Hoa hậu Biển 2016.

    Điều đáng nói ở chỗ, những câu trả lời khiến khán giả phải “đứng hình” như trên không hiếm ngay cả với những cuộc thi có quy mô lớn. Thí sinh Đặng Thị Lệ Hằng (sau đó đoạt giải Á hậu 2, cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2015) trong phần trả lời ứng xử, khi được hỏi ấn tượng về Nha Trang, sau hồi lúng túng, cô phát biểu: “Ai cũng biết Nha Trang là một trong 29 vịnh đẹp nhất hành tinh, con người thành thật, dễ gần, môi trường sống an lành. Điều đó cho thấy ý thức người dân nơi đây trong việc xây dựng cuộc sống, bảo vệ môi trường khá tốt. Em hy vọng mọi người dân khắp Việt Nam cũng sẽ như vậy”. Phần trả lời này được đánh giá là lủng củng nhất trong số 5 người đẹp lọt vào chung kết.

    Trước đó, hẳn bạn đọc vẫn chưa quên phần trả lời từng “gây bão” dư luận của thí sinh Phan Thị Thu Phương (Top 7 người đẹp nhất cuộc thi Hoa hậu Đại dương Việt Nam 2014) đã có những phát biểu ngây ngô khi được hỏi về giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc xâm phạm lãnh hải Việt Nam. Cô tự tin trả lời câu hỏi của ban giám khảo như sau: “Là một công dân yêu nước, khi biết việc Trung Quốc đặt giàn khoan Hải Dương tại biển Việt Nam mình, em cảm thấy rất bức xúc, nó xâm phạm về lãnh thổ, vùng kinh tế Việt Nam mình. Em muốn người Trung Quốc hãy “mở” giàn khoan đó ra và để cho đất nước Việt Nam của em ngày càng xinh đẹp hơn”.

    Người đẹp Trần Thị Kim Anh (Á hoàng 1 cuộc thi Nữ hoàng trang sức 2013) trả lời câu hỏi vấn đề quan tâm nhất là gì? Kim Anh nói: “Trong các vấn đề trên, em thiết nghĩ vấn đề em quan tâm nhất là tai nạn giao thông. Tai nạn giao thông được coi như một đại dịch đe dọa mạng sống, cuộc sống của con người”. Sau phần trả lời cho rằng, tai nạn giao thông là “đại dịch”, cả ban giám khảo lẫn người xem phải im lặng mất một lúc.

    Phát ngôn “thiếu muối”

    Từ những trường hợp điển hình nêu trên, một câu hỏi được đặt ra là tại sao nhiều ban giám khảo vẫn chấp nhận để những “bình hoa di động” lên ngôi? Phải chăng, chúng ta đang lấy tiêu chí “chân dài” để làm chuẩn mực tuyển chọn hoa hậu? Trả lời những thắc mắc này với PV báo ĐS&PL, ông Dương Kỳ Anh, người được coi là “cha đẻ của các cuộc thi hoa hậu Việt” bày tỏ: “Thông thường, những cuộc thi hoa hậu sẽ chọn ra một người đẹp tương đối toàn diện về cả hình thể, tính cách, tâm hồn, tri thức... và đó là xu hướng phổ biến. Bởi lẽ, một hoa hậu khó có thể đáp ứng được tất cả tiêu chí như học vấn, thông minh, xinh đẹp... Ban giám khảo sẽ phải dựa vào sự hài hòa của những yếu tố đó để chọn ra người đẹp nhất. Có những trường hợp, thí sinh bị loại chỉ vì tri thức hiểu biết quá non kém trong khi các yếu tố khác đều tốt. Nhưng, nhiều cuộc thi thì họ vẫn cho qua vì có thể, vẻ đẹp hài hòa không phải là tiêu chí của ban tổ chức”.

    Rõ ràng, với tần suất các cuộc thi sắc đẹp nhiều như hiện nay, những chuyện “cười ra nước mắt” trong phần thi ứng xử của các thí sinh hoa hậu không hiếm. Thậm chí, nhiều người còn chép miệng chấp nhận “sống chung với lũ”. Nhiều người cho rằng, với những cuộc thi quy mô, liên tục để xảy ra những lỗi như vậy thì cần phải nghiêm túc xem xét.

    Một câu hỏi khác được đặt ra, tại sao những người đẹp “rỗng tuếch” vẫn lên ngôi cao nhất ở một số cuộc thi? Do tiêu chí tuyển chọn quá dễ dãi hay ban giám khảo nhắm mắt cho qua?

    Ông Dương Kỳ Anh.

    Theo lý giải của ông Dương Kỳ Anh: “Tôi cho rằng lỗi nằm ở cả ban tổ chức, ban giám khảo và cá nhân thí sinh. Tình trạng này vẫn xảy ra dù đã được cảnh báo, theo tôi có ba nguyên nhân chính. Thứ nhất, nó xuất phát từ quan điểm của ban tổ chức, ban giám khảo cuộc thi đó. Họ lấy vẻ đẹp hài hòa làm tiêu chuẩn hay lấy sắc đẹp thuần túy hình thức làm tiêu chuẩn? Thứ hai là cách tổ chức thực hiện cuộc thi có vấn đề nên để xảy ra những lỗ hổng, sơ hở giúp cho những thí sinh không đáp ứng được yêu cầu lọt vào. Thứ ba là có thể có tiêu cực trong việc tổ chức cuộc thi. Chính những nguyên nhân này khiến cho chúng ta biết mà vẫn không sửa được và những sự cố như trên vẫn tiếp tục xảy ra”.

    Lý giải nguyên nhân tại sao, ở nhiều cuộc thi sắc đẹp, thí sinh được “ôn luyện” trước nhưng vẫn có những phát biểu ngây ngô, GS. Nguyễn Khắc Mai, Giám đốc trung tâm Nghiên cứu Minh Triết Việt Nam chia sẻ với báo chí rằng: “Qua phần thi ứng xử ở nhiều cuộc thi cho thấy, đây là kết quả đáng buồn của giáo dục lạc hậu, giống như chúng ta đang tạo ra những con vẹt, con người theo kiểu rô bốt. Họ dường như không có suy nghĩ chân thành xuất phát từ trái tim mà chỉ có những câu chữ sáo rỗng. Họ thiếu sự tự tin, tự chủ mà chỉ biết làm theo khuôn mẫu có sẵn”.

    Còn nhà thiết kế Trần Trọng Hưng bày tỏ quan điểm: “Các cụ ta vẫn dạy cái nết đánh chết cái đẹp. Vẻ đẹp hình thể là một yếu tố quan trọng nhưng không vì thế mà bỏ qua vẻ đẹp tri thức. Chúng ta tìm kiếm vẻ đẹp Việt Nam nhưng không lẽ vẻ đẹp đó chỉ nằm ở số đo ba vòng? Ở khuôn mặt đáng yêu? Vẻ đẹp tâm hồn, vẻ đẹp tri thức mới là yếu tố quan trọng nhất để thuyết phục khán giả”.

    PHẠM THIỆU

    Mời độc giả xem thêm video Giải trí:

    [mecloud]orBBm3YdFA[/mecloud]

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/binh-hoa-di-dong-len-ngoi-tieu-chi-de-dai-hay-nham-mat-cho-qua-a134295.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.