Công ty Big Forest Việt Nam có dấu hiệu làm giả hồ sơ, con dấu hòng qua mặt cơ quan chức năng để được cấp giấy phép hoạt động kinh doanh đa cấp.
Thời gian qua, hoạt động kinh doanh đa cấp ngày càng biến tướng đã đẩy nhiều người ôm mộng làm giàu vào tình cảnh tiền mất nợ mang. Trong khi cơ quan chức năng thiếu trách nhiệm kiểm tra giám sát, người dân lại bất chấp tất cả chỉ mong… mở mắt thành tỷ phú.
Sức hút khủng khiếp từ hoạt động kinh doanh đa cấp biến tướng đã khiến nhiều doanh nghiệp bất chấp quy định pháp luật để hoạt động, thậm chí có doanh nghiệp sẵn sàng là giả cả hồ sơ để xin được cấp phép hoạt động đa cấp.
Xác nhận tài khoản ký quỹ làm giả con dấu, chữ ký của Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng. |
Theo thông tin trên báo VTC News, Công ty Big Forest Việt Nam, do ông Nguyễn Mạnh Cường làm chủ tịch Hội đồng quản trị có dấu hiệu làm giả hồ sơ, con dấu hòng qua mặt cơ quan chức năng để được cấp giấy phép hoạt động kinh doanh đa cấp.
Theo đó, ngày 18/9/2015, Công ty cổ phần Big Forest Việt Nam (Big Forest Việt Nam), trụ sở tại 256 đường Mỹ Đình (phường Mỹ Đình 1, quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội) gửi hồ sơ tới Cục Quản lý cạnh tranh – Bộ Công Thương để xin được đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp.
Theo quy định tại Điều 7 Nghị định số 42/2014/NĐ-CP, các doanh nghiệp muốn đăng ký tổ chức hoạt động bán hàng đa cấp phải có vốn pháp định và phải ký quỹ bằng tiền mặt 5\% vốn điều lệ (nhưng không thấp hơn 5 tỷ đồng) tại một ngân hàng thương mại nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính và được xác nhận bằng văn bản.
Trong hồ sơ gửi Cục Quản lý cạnh tranh, Big Forest Việt Nam cũng đưa vào một văn bản xác nhận ký quỹ số VP/231015, xác nhận ngày 23/10/2015 của Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng, chi nhánh Thăng Long. Người kí tên, đóng dấu là bà Lê Thị Hòa - Phó Giám đốc Chi nhánh.
Ngày 3/3/2016, đại diện Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) cho biết: “Tính đến ngày 25/11/2015, VPBank không phát hành bản xác nhận ký quỹ số VP/231015 ngày 23/10/2015 tại VPBank – chi nhánh Thăng Long cho công ty Big Forest Việt Nam.”.
Bà Lê Thị Hòa (Giám đốc chi nhánh VPBank Thăng Long) – người được cho là đã ký xác nhận dưới bản xác nhận ký quỹ cho Big Forest Việt Nam - khẳng định, chữ ký trên không phải của bà và bà cũng chưa từng ký xác nhận nào cho Big Forest Việt Nam. “Bản xác nhận ký quỹ số VP/231015 ngày 23/10/2015 ghi chức danh của tôi là Phó giám đốc là không đúng, bởi tôi được đề bạt lên Giám đốc chi nhánh từ trước thời điểm đó”, bà Hòa nói.
Đặc biệt, một lãnh đạo VPBank cho biết, hành vi của Big Forest Việt Nam có dấu hiệu “lừa đảo”.
Website của Big Forest Việt Nam. Ảnh chụp màn hình ngày 16/3. (Ảnh: VTC News). |
Phía ngân hàng đã có văn bản gửi tới Cục Quản lý cạnh tranh – Bộ Công Thương và các cơ quan chức năng.
Để làm rõ bản xác nhận ký quỹ mà Big Forest Việt Nam kèm hồ sơ gửi đến Cục Quản lý cạnh tranh - Bộ Công Thương, PV VTC News đã nhiều lần liên hệ với ông Nguyễn Mạnh Cường – Chủ tịch Hội đồng quản trị qua điện thoại và đề nghị được cung cấp thông tin. Tuy nhiên, ông Cường nói ngắn gọn rằng, Big Forest Việt Nam đã dừng hoạt động, rút hồ sơ tại Cục Quản lý cạnh tranh – Bộ Công thương và tắt máy.
Trước đó, vào năm 2015, báo Pháp luật Việt Nam cũng đã từng đăng tải bài viết về dấu hiệukinh doanh đa cấp trái phép của Big Forest Việt Nam, theo đó thông tin nêu rõ, sơ đồ trả thưởng ưu việt, thu nhập cao, kiếm hàng chục triệu, thậm chí hàng tỷ đồng một cách dễ dàng… đó là những lời "quảng cáo" hấp dẫn từ nhân viên công ty giới thiệu với khách hàng khi tham gia vào hệ thống bán hàng đa cấp tại Công ty Cổ phần Big Forest Việt Nam (Công ty Big Forest). Tuy nhiên điều đáng nói ở đây là công ty này có dấu hiệu kinh doanh đa cấp trái phép khi chưa được cơ quan chức năng cấp giấy phép hoạt động kinh doanh đa cấp, nhưng đã phát triển thị trường và thi hút khá đông khách hàng.
Công ty Big Forest có trụ sở tại số 22A, Nguyễn Khang, Trung Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội. Hoạt động kinh doanh các mặt hàng thức phẩm chức năng như Cốm dành cho trẻ em, phân vi sinh… dưới hình thức kinh doanh đa cấp.
Cụ thể, khách hàng muốn tham gia trở thành nhà phân phối của công ty này, sẽ phải mua một bộ sản phẩm trị giá từ 500 ngàn đồng cho tới 3 triệu đồng và một bộ Kit hướng dẫn với giá 150 ngàn đồng. Sau khi trở thành nhà phân phối của công ty, khách hàng sẽ nhận được nhiều loại hoa hồng khác nhau như : hoa hồng trực tiếp, hoa hồng gián tiếp. Từ việc lôi kéo thêm nhiều người tham gia vào mạng lưới bán hàng đa cấp của mình.
Sơ đồ trả thưởng của công ty Cổ phần Big Forest Việt Nam. (Ảnh: Báo Pháp luật Việt Nam). |
Với nhiều loại hoa hồng trả thưởng, nhà phân phối có thể không cần làm gì, tiền vẫn có thể “chảy” vào túi một cách dễ dàng. Thậm chí thu nhập sẽ từ hàng chục triệu đồng cho đến cả tỉ đồng. Điều đáng nói ở đây là một người tự giới thiệu là lãnh đạo của công ty Công ty Big Forest cho biết công ty đã hoàn thiện đầy đủ giấy tờ pháp lý liên quan đến hoạt động bán hàng đa cấp.
Chưa bàn đến hiệu quả từ những lời tư vấn đường mật, kiếm tiền dễ như “bỡn” của người nhân viên kia có thực sự như vậy hay không ? Tuy nhiên, theo thông tin từ Cục Quản lý Cạnh tranh – Bộ Công Thương, Công ty Cổ phần Big Forest Việt Nam khi đó mới đang trong quá trình sửa đổi hồ sơ để được cấp giấy phép kinh doanh đa cấp. Thế nhưng, theo tìm hiểu của PV Pháp luật Việt Nam, Công ty Cổ phần Big Forest Việt Nam đã hoạt động kinh doanh đa cấp khá rầm rộ.
BTV/ Tổng hợp theo VTC News, Pháp luật Việt Nam