Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khu vực châu Âu Hans Kluge mới đây cho biết: "Thật hợp lý khi khu vực này đang tiến tới một giai đoạn mới".
Đồng thời, theo ông Kluge, biến thể Omicron có thể lây nhiễm cho khoảng 60% người dân châu Âu vào tháng 3/2022. Tuy nhiên, sau khi số ca mắc biến thể Omicron bắt đầu giảm, châu Âu "sẽ đạt được khả năng miễn dịch cộng đồng trong vài tuần đến vài tháng, nhờ vào vaccine và những người đã có miễn dịch sau khi khỏi bệnh, một phần cũng do mùa".
Ông nhận xét: "Chúng tôi dự đoán châu Âu sẽ trải qua một thời gian yên bình trước khi một làn sóng đại dịch mới trở lại vào cuối năm. Nhưng chưa chắc đại dịch đã quay trở lại".
Cố vấn y tế hàng đầu Mỹ Anthony Fauci cũng bày tỏ sự lạc quan tương tự vào ngày 23/1 (giờ địa phương). Cụ thể, trao đổi với hãng tin ABC News, ông Fauci cho biết số ca mắc biến thể Omicron tại Mỹ đang giảm "khá mạnh" ở một số nơi, nhận định "tình hình có vẻ đang diễn biến tốt".
Trong khi vẫn thận trọng khi đưa ra các đánh giá về dịch bệnh, ông Fauci nói thêm rằng nếu sự sụt giảm trong số ca mắc COVID-10 ở các bang phía Đông Bắc tiếp tục, mọi người sẽ bắt đầu thấy sự thay đổi trên toàn bộ đất nước.
Văn phòng WHO ở khu vực châu Phi cũng cho biết số ca mắc COVID-19 tại khu vực này đang giảm mạnh và số ca tử vong cũng giảm trong lần đầu tiên kể từ khi biến thể Omicron bùng phát.
Các biến thể khác vẫn có thể xuất hiện
Được biết, theo các nhà nghiên cứu, biến thể Omicron dễ lây lan hơn biến thể Delta nhưng ít gây ra các triệu chứng nghiêm trọng ở những người đã được tiêm chủng. Do đó, biến thể này đã khiến nhiều người hy vọng rằng COVID-19 đang bắt đầu chuyển từ một đại dịch sang một bệnh đặc hữu dể kiểm soát như cúm mùa.
Tuy nhiên, giám đốc WHO khu vực châu Âu nhận định vẫn còn quá sớm để coi COVID-19 là bệnh đặc hữu. Ông chia sẻ: "Đã có nhiều sự bàn tán về một căn bệnh đặc hữu. Nhưng bệnh đặc hữu nghĩ là chúng ta có thể dự đoán điều gì sẽ xảy ra. Trong khi đó, loại virus này đã khiến chúng ta ngạc nhiên nhiều lần nên chúng ta vẫn cẩn phải thận trọng".
Ông Kluge cảnh báo với việc biến thể Omicron lây lan nhanh, một biến thể mới vẫn có khả năng xuất hiện.
Ủy viên Châu Âu về Thị trường Nội bộ, Thierry Breton, cho biết hoàn toàn có thể điều chỉnh các loại vaccine hiện có để đối phó với bất kỳ biến thể mới nào trong tương lai. Ông khẳng định: "Chúng tôi vẫn có thể chống chọi tốt kể cả với các biến thể mới. Chúng tôi sẵn sàng điều chỉnh các loại vaccine, đặc biệt là vaccine mRNA, để đối phó với những biến thể có độc lực còn lớn hơn".
Theo WHO tại châu Âu, số ca mắc COVID-19 do biến thể Omicron chiếm 15% số ca mắc mới tính đến ngày 18/1, tăng gấp đôi so với tỷ lệ 6,3% trong một tuần trước đó.
Tập trung vào 'giảm thiểu sự gián đoạn'
Cơ quan y tế EU (ECDC) cho biết Omicron hiện là biến thể "thống trị" tại Liên minh châu Âu và Khu vực kinh tế châu Âu (EEA, hoặc Na Uy, Iceland và Liechtenstein).
Do sự lây lan rất nhanh của biến thể này, ông Kluge cho biết cần phải đặt trọng tâm vào việc "giảm thiểu sự gián đoạn của bệnh viện, trường học và nền kinh tế, đồng thời nỗ lực bảo vệ những người dễ bị tổn thương", hơn là các biện pháp ngăn chặn sự lây nhiễm.
Đồng thời, ông Kluge kêu gọi người dân thực hiện những trách nhiệm cá nhân. Ông nói: "Nếu bạn cảm thấy không khỏe, hãy ở nhà, tự xét nghiệm nhanh. Nếu bạn nhận kết quả dương tính, hãy tự cách ly".
Ông Kluge cho biết ưu tiên hàng đầu của ông là ổn định tình hình ở châu Âu, nơi tỷ lệ tiêm chủng ở các quốc gia đạt từ 25 đến 95% dân số, do đó mức độ căng thẳng kđối với các bệnh viện và hệ thống chăm sóc sức khỏe cũng khác nhau.
Giám đốc WHO khu vực châu Âu giải thích: "Ổn định có nghĩa là hệ thống y tế không còn bị quá tải do COVID-19 và có thể tiếp tục thực hiện các dịch vụ y tế thiết yếu, vốn không may đã bị gián đoạn do đại dịch như ung thư, bệnh tim mạch và chủng ngừa định kỳ".
Ông Kluge cũng thận trọng khi nói về liều vaccine ngừa COVID-19 thứ tư. Theo đó, ông nói rằng việc tiêm chủng chỉ nên được thực hiện nếu "chắc chắn rằng khả năng miễn dịch sẽ tăng lên sau mỗi lần tiêm".
Minh Hạnh (Theo AFP)