+Aa-
    Zalo

    Biển quảng cáo tấm lớn biến cao ốc thành... “bom nổ chậm”?

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Sau liên tiếp sự cố cháy, nổ khiến người dân hoảng loạn, các biển quảng cáo lớn tại các cao ốc trở nên đáng sợ và nguy hiểm như... "bom nổ chậm".

    (ĐSPL) - Trong mưa giông, đèn led cháy, lửa bắt vào biển quảng cáo khiến cao ốc Thăng Long (Đại lộ Thăng Long –Hà Nội) phát nổ, làm người dân hoảng loạn. Sau liên tiếp sự cố cháy, nổ, các tấm biển quảng cáo lớn tại các cao ốc đang trở nên đáng sợ và nguy hiểm như... "bom nổ chậm"

    Chị Trần Thị Hòa - nạn nhân bị thương. Ảnh: Công Khoa


    Chị Trần Thị Hòa (Mỹ Đức – Hà Nội), một người dân bị bỏng trong vụ cháy nổ tòa cao ốc Thăng Long Number One (nằm trên đường Khuất Duy Tiến – Thanh Xuân – Hà Nội) bàng hoàng kể lại: “Khoảng 19h30, tôi vẫn đang bán bánh mỳ ở ngay dưới tòa nhà này. Lúc đó, trời nổi cơn giông và gió lớn. Tự nhiên, tôi nghe thấy một tiếng nổ rất to và tiếng người hét ầm ĩ phía sau lưng, tôi quay lại chưa kịp hiểu ra chuyện gì thì có một đám lửa lớn rơi trúng lưng.

    Tôi sợ quá nên bỏ chạy sang bên kia đường kêu cứu, lúc đó mọi người đều hoảng nên không ai giúp đỡ tôi được. Khi chạy đi, tôi đã bị lửa bám vào nên cháy mất chiếc áo chống nắng mặc bên ngoài. Tôi vội vàng vứt chiếc áo chống nắng ra, nhưng do lửa lớn nên tôi vẫn bị thương ở phần đầu, lưng, chân". Vừa kể, chị Hòa vừa vén ống quần cho PV xem vết bỏng ở chân và đám tóc cháy ở trên đầu.

    Khi PV hỏi về nguyên nhân vụ cháy, chị Hòa cho biết: “Lúc đó nổ lớn, tôi sợ quá nên cũng không quan sát được nhiều. Đến tận bây giờ, tôi vẫn chưa biết rõ nguyên nhân đám cháy bắt nguồn từ đâu. Lúc sang đường, nhìn lại phía sau, tôi thấy có rất nhiều muội than rơi xuống từ tầng trên cao của tòa nhà, dây cáp điện cũng cháy và bắn tung tóe trên không trung”.

    Chị Hòa tiếp tục kể: “Tôi bị cháy là từ hôm chủ nhật rồi, hôm qua ở đây lại tiếp tục xảy ra một vụ nữa. Nghe mọi người kể lại thì vụ cháy nổ hôm qua còn lớn hơn hôm chủ nhật. Nhiều người đang đi trên đường thấy đám cháy còn vứt xe lăn ra đường và bỏ chạy”.

    Một người dân sống trong tòa nhà này cũng xác nhận: “Đúng là hai hôm nay có vụ cháy nổ xảy ra ở đây. Hình như đám cháy bắt nguồn từ tầng 18 của tòa nhà. Khi đám cháy xảy ra, tất cả mọi người đều hoảng loạn và chạy ra ngoài”.

    Khi PV đến gặp Ban quản lý tòa nhà Thăng Long Number One thì được cán bộ phòng quản lý giới thiệu gặp chị Hương, người được xem là có đầy đủ thẩm quyền và thông tin để trả lời báo chí.

    Tuy nhiên, khi liên lạc, chị Hương cho rằng: “Mình không có trách nhiệm gì trong việc, trả lời hay cung cấp thông tin về vấn đề này”. Chị cũng cho rằng: “Đây không phải là một vụ cháy nổ mà chỉ là một vụ chập điện nhỏ”.

    Khi PV đề cập đến người bị thương trong vụ việc, chị Hương cho rằng: “Không, chẳng có ai bị thương trong vụ việc này cả. Nói bị thương là không đúng, chỉ có lúc gió to thì vảy than rơi xuống, bắn vào thùng bán bánh mỳ của một người bán hàng thôi chứ không có ai bị thương đâu”.

    Khi hỏi về nguyên nhân của vụ cháy, chị Hương đã từ chối trả lời. “Hiện tại, ban quản lý tòa nhà đang xác minh lại tất cả vụ việc và sẽ trả lời sau bằng văn bản”, chị Hương nói.

    Tiếp tục tìm hiểu hiện trường vụ cháy, PV tìm thấy rất nhiều mảng dây cáp bị đứt và rơi xuống đường. “Sau khi cháy, mới có nhiều đoạn dây như thế rơi xuống. Đến hôm nay, người ta đã dọn sạch sẽ rồi. Cháy nổ xong, hệ thống đèn led trang trí tòa nhà này cũng hỏng. Tối hôm qua, không thấy nó sáng nhấp nháy nữa”, một người dân sống trong tòa nhà kể với PV.

    Cũng theo lời người dân ở đây, ngọn lửa bùng cháy ở tấm biển quảng cáo Viglacera trên nóc của tòa nhà này. Chưa đầy chục phút sau, 1/2 tấm biển đã bị cháy sém và toàn bộ hệ thống điện trang trí đều tắt lịm.

    Nhiều người đi đường hoảng loạn khi nghe thấy 2 tiếng nổ lớn phát ra từ khu vực phía ngoài, tại chính tòa nhà Thăng Long Number One. Nhiều mảnh thủy tinh và tia lửa rơi xuống đường, khiến nhiều người bỏ xe máy bên đường, tháo chạy thoát thân.

    Xem thêm video:

    [mecloud]rJv30L1RSI[/mecloud]

    Ẩn họa từ biển quảng cáo tấm to trong mưa giông

    Trao đổi với PV về vấn đề này, kỹ sư Bùi Văn Thỉnh (công ty cơ khí Thành Nam) cho rằng: "Hiện nay, biển quảng cáo được phân chia thành 3 loại chính. Thứ nhất là loại biển in trên bạt có đèn hắt lắp rời. Thứ hai, biển công nghệ lật 3 mặt, biển cuốn và biển điện tử. Xét về độ bền và an toàn thì biển in trên bạt, biển cuốn khá an toàn, nhưng tính về mức độ thẩm mỹ thì thua xa biển điện tử. Tôi đã từng đi thiết kế, lắp đặt biển hiệu cho rất nhiều cửa hàng nên biết, họ thường chọn biển điện tử đặt đèn led và neon bên trong. Đây là xu thế chung của các cửa hàng lớn".

    Theo kỹ sư Bùi Văn Thỉnh, ẩn họa cháy nổ từ những tấm biển quảng cáo ở Hà Nội là rất lớn. Hiện nay, rất nhiều chủ cửa hàng giao toàn bộ việc thiết kế, mua bán thiết bị sản xuất biển quảng cáo cho thợ. Để ăn bớt tiền, họ thường mua loại dây nối chế tạo biển rởm, có độ bền thấp, xuất xứ từ Trung Quốc. Bên cạnh đó, nhiều người chuyên thiết kế biển quảng cáo vì muốn lãi cao nên họ mua đèn, thiết bị bảo vệ đèn chất lượng thấp. Chính vì thế, khi gặp nhiệt phát ra từ chiếc đèn neon, chất liệu nhựa kia không chịu được nên phát cháy. Hơn nữa, do mải bận công việc, nhiều gia đình không chú ý nhiều đến biển hiệu. Nếu muốn an toàn, 3 tháng họ phải kiểm tra thiết bị điện trong biển quảng cáo một lần.

    Những sự cố rợn người ở các cao ốc tại Hà Nội

    Một chiếc thang máy của tòa nhà Lotte (Hà Nội) gặp sự cố đã rơi từ tầng 63 rồi kẹt lại khiến 7 người bên trong bị mắc kẹt, rất hoảng loạn.

    Chị Đ.T.T.V. (Thanh Xuân, Hà Nội) kể lại, vào khoảng 20h45, chị cùng 6 người khác bước vào thang máy ở tầng 65 khu khách sạn của tòa nhà Lotte (Đào Tấn, Hà Nội). Tuy nhiên, khi thang máy xuống đến tầng 63 thì bất ngờ gặp sự cố, rơi xuống tầng 33 rồi kẹt lại. Lúc này những người trong thang máy vô cùng hoảng sợ, gọi cho ban quản lý cũng như công an để giải cứu.

    Tuy nhiên, theo phản ánh từ phía chị Đ.T.T.V., dù gọi rất nhiều lần, nhưng phải rất lâu sau mới có người lên giải cứu. Một nạn nhân khác trong vụ rơi thang máy chia sẻ, khi được giải cứu thì một đại diện Lotte người nước ngoài xuất hiện và nói xin lỗi với các nạn nhân. Theo một đại diện của Lotte, nguyên nhân ban đầu xác định việc kẹt thang máy là do sự cố về điện và may mắn không có thương vong về người.

    Tòa nhà Keangnam được lắp đặt hệ thống kính chịu lực, nhưng cơn mưa giông ở loại “thường thường bậc trung” đã khiến các tấm kính bên ngoài rơi xuống đất là điều đáng lo ngại.

    Không chỉ có kính, cơn mưa giông này còn làm chiếc “lồng sắt” (platform) sàn để lau, sửa chữa mặt tiền những ngôi nhà cao tầng va đập mạnh liên hồi vào tầng 23 của tòa nhà này. Khoảng cách va đập có khi lên đến hàng chục mét vì chiếc “lồng sắt” ấy được thả từ nóc trên tầng 72 xuống. Những người chứng kiến cảnh tượng trên vẫn chưa dám tin đó là sự thật, lại càng không thể tưởng tượng nổi tại sao lại có sự cố nguy hiểm trên ở tòa nhà được cho là hiện đại nhất Hà Nội.

    Nguy hiểm hơn, trong khi bị va đập, trên chiếc “lồng sắt” còn có hai công nhân đang làm việc.

     

    HOÀNG KIM THƯỢC

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/bien-quang-cao-tam-lon-bien-cao-oc-thanh-bom-no-cham-a97248.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.