+Aa-
    Zalo

    Biên Hòa cũng khốn khổ vì ngập lụt

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Những năm gần đây, hễ trời mưa là nhiều nơi ở TP Biên Hòa, Đồng Nai lại ngập sâu, ảnh hưởng xấu đến cuộc sống người dân.

    Những năm gần đây, hễ trời mưa là nhiều nơi ở TP Biên Hòa, Đồng Nai lại ngập sâu, ảnh hưởng xấu đến cuộc sống người dân.

    “Hiện TP Biên Hòa có 23 điểm thường xuyên ngập nặng mỗi khi có mưa lớn. Trong đó có 11 điểm ngập trên đường giao thông và 12 điểm ở khu vực dân cư”. Báo cáo của Ban Chỉ huy phòng, chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Đồng Nai cho hay.

    Khu dân cư ngày càng ngập sâu

    Chị Cao Thị Minh Thúy, ngụ khu phố Bình Dương, phường Long Bình Tân, TP Biên Hòa, cho biết: Khu vực này bắt đầu ngập nặng 3-4 năm nay nhưng năm nay là ngập nặng nhất. Trong những trận mưa lớn hồi cuối tháng 9, nhiều nơi ngập sâu đến 1 m. Có khi mới mưa khoảng 20 phút là đã bắt đầu ngập. Nếu mưa dai dẳng 3-4 giờ thì phải vài ngày sau nước mới rút hết.

    “Nước ngập vào nhà làm hư hết đồ dùng như tủ áo, bàn học, giường... Ở đây người dân trên thì hít bụi than, dưới sống trong cảnh ngập lụt, không còn gì khổ bằng” - chị Thúy than thở.

    Biên Hòa cũng khốn khổ vì ngập lụt

    Đường phố Biên Hòa ngập nước sau cơn mưa. Ảnh: TIẾN DŨNG

    Theo người dân khu phố Bình Dương, khu vực này càng ngày càng ngập sâu là do các xe chở gỗ, chở than của một số doanh nghiệp tư nhân trên địa bàn làm hư hỏng các cống thoát nước. Đáng nói là tình trạng ô nhiễm. Cứ mưa xong là rác thải không biết từ đâu cứ theo dòng nước đổ ào về gây hôi thối nồng nặc cả vùng. “Ở đây mỗi năm ngập cả chục lần nên chúng tôi liên tục phải vay mượn tiền để nâng nền nhà chống ngập chứ sống vậy hoài ai chịu nổi” - chị Thúy than thở.

    Ông Nguyễn Văn Tư, sống gần nhà chị Thúy, cũng cho hay nhiều đêm cả gia đình phải thức trắng để chuyển đồ đạc lên cao chống ngập. Ông đã lấy đất sét đắp thành bờ để ngăn nước tràn vào nhà nhưng không ăn thua vì nước tràn ngược từ cống lên. “Nước nhiều nhưng cống thoát nước quá nhỏ, lại còn hư hỏng. Chúng tôi chỉ mong có một cái cống lớn hơn để tránh cảnh ngập lụt thường xuyên. Chứ như hiện nay mỗi lần ngập là cả nhà mất ăn mất ngủ mấy ngày liền do ô nhiễm, ruồi muỗi… Thậm chí có khi rắn còn theo nước mò vào nhà, bơi vào tủ quần áo ở luôn, sợ lắm” - ông Tư cho hay.

    Đường biến thành sông

    Dù sống ở mặt tiền nhưng chị Huỳnh Mỹ Anh Thư, ngụ đường Nguyễn Ái Quốc, phường Tân Tiến cũng không sung sướng gì hơn ông Tư, chị Thúy. “Đoạn đường này cứ mưa 20-30 phút là bắt đầu ngập sâu. Năm nay ngập nặng hơn năm ngoái nhiều. Có khi nước ngập hơn nửa thân xe máy, ngay cả ô tô cũng không thể đi qua” - chị Thư nói.

    Anh Nguyễn Văn Sang, sống trên đường Nguyễn Ái Quốc, đoạn gần Trường Bùi Thị Xuân thì cho biết mỗi khi mưa thì vài ba tiếng sau nước mới rút. Khi có xe chạy qua, từng đợt sóng lại ào ào đổ vào gây ngập nhà. Người sống ven đường đã khổ, người đi đường cũng chẳng vui sướng gì vì cứ té ngã liên tục. “Khi mưa xuống nhìn các em học sinh Trường Bùi Thị Xuân đi học thương lắm. Nam thì quần ướt sũng vì lội nước, học sinh nữ phải xắn cả váy lên để lội, các bậc phụ huynh cũng phải ngâm mình trong nước để đón con. Nếu tôi mua cái thuyền chèo đưa học sinh đi học chắc cũng kiếm bộn tiền” - anh Sang nửa đùa nửa thật.

    Sẽ còn ngập lâu

    Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Võ Thành Lê Phương, chuyên viên Phòng Quản lý đô thị TP Biên Hòa, cho biết: Thời gian qua phòng đã khảo sát tại các điểm ngập và phát hiện nguyên nhân chính là do hệ thống mương thoát nước hai bên đường nhỏ, không đảm bảo thoát nước khi có mưa lớn. Ngoài ra rác thải do người dân xả xuống hệ thống suối Săn Máu, suối Chùa, suối Bà Lúa cũng làm hạn chế khả năng thoát nước khiến các khu dân cư ngập càng nặng.

     “Phòng Quản lý đô thị đã kiến nghị UBND TP Biên Hòa đề nghị các đơn vị liên quan như Cục Quản lý đường bộ 4, Sở NN&PTNT tỉnh… sớm xử lý các điểm ngập úng thuộc thẩm quyền của mình để người dân ổn định cuộc sống. Về lâu dài, tỉnh sẽ triển khai các dự án do Trung tâm Thoát nước Đồng Nai làm chủ đầu tư, kinh phí lấy từ vốn ODA của Nhật và ngân sách đối ứng của tỉnh” - ông Phương cho biết.

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/bien-hoa-cung-khon-kho-vi-ngap-lut-a54021.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan