(ĐSPL) - Theo Tướng Nguyễn Văn Phiệt, nguyên Phó Tư lệnh Chính trị kiêm Bí thư Đảng ủy Quân chủng Phòng không Không quân, chúng ta phải kiên quyết bảo vệ chủ quyền trên Biển Đông bằng cách xây dựng các lực lượng mạnh lên. Trên đảo chắc chắn phải có nhân dân, quân dân gắn bó thì đảo sẽ vững chãi hơn.
Người Việt Nam biểu tình tại Pháp phản đối Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 trên vùng biển thuộc đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam. |
Sóng trong trái tim của vị tướng
Trung tướng Nguyễn Văn Phiệt, nguyên Phó Tư lệnh Chính trị kiêm Bí thư Đảng ủy Quân chủng Phòng không Không quân đã có nhiều kỷ niệm bay trên bầu trời biển đảo của Tổ quốc. Mỗi khi nhắc về những chuyến bay đó, ông không khỏi xúc động và tự hào trước kiệt tác về vẻ đẹp của biển đảo quê hương. Khi “Tổ quốc đứng bên bờ sóng”, Tướng Phiệt vẫn quả quyết rằng: “Đất nước Việt Nam yêu chuộng hòa bình nhưng vẫn luôn đủ sức mạnh để bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ”.
Thời gian còn đang công tác, Tướng Phiệt có khá nhiều kỷ niệm bay trên vùng trời biển đảo của Việt Nam như đảo Ngọc Vừng, Cô Tô, Phú Quốc, Côn Lôn... Có khi thì đi bằng trực thăng, có lần thì bay bằng máy bay ATR 72. “Từ trên cao nhìn xuống, bờ biển Việt Nam rất đẹp, đó đúng là kiệt tác của thiên nhiên. Dọc theo hướng Đông Bắc có cả dãy núi trùng điệp trông rất hùng vĩ. Tôi cũng từng bay trên bờ biển của Cu Ba, hay đi dọc biển Hà Lan, rõ ràng, biển của chúng ta có vẻ đẹp riêng. Tôi còn nhớ kỷ niệm bay trên ATR 72 ra thăm trạm ra-đa ở đảo Phú Quốc đầu những năm 1990 của thế kỷ trước, khi đó tôi là Phó Tư lệnh Chính trị của Quân chủng. Phú Quốc lúc bấy giờ trông như đảo ngọc. Khi bay trên bầu trời biển đảo Tổ quốc, tôi chỉ mong chúng ta có một lực lượng hải quân lớn mạnh kết hợp cùng với sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, chúng ta kiên quyết bảo vệ chủ quyền theo luật pháp quốc tế. Đó là suy nghĩ của những người muốn bảo vệ bầu trời Tổ quốc”, Tướng Phiệt tâm sự.
Trung tướng Nguyễn Văn Phiệt. |
Chia sẻ với PV báo Đời sống và Pháp luật, giọng vị Tướng tỏ ra sôi nổi. Ông bảo rằng, chủ quyền biển đảo của Việt Nam đã được xác định từ thời ông cha ta ngàn đời nay. Bờ biển của Việt Nam, quốc tế đã công nhận. Chúng ta phải đẩy mạnh tuyên truyền để nhân dân thế giới, đặc biệt là người Trung Quốc hiểu được sự thật, hiểu rõ Trường Sa, Hoàng Sa là của Việt Nam – chân lý đó không bao giờ thay đổi.
Theo Tướng Phiệt, để bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc, các quân binh chủng phải tiến lên hiện đại, sức mạnh chiến đấu sẽ tăng. Tuy nhiên, nói như vậy không có nghĩa là chúng ta chạy đua vũ trang. Vũ khí khí tài quan trọng nhưng con người vẫn là quyết định. Vị tướng đưa ra dẫn chứng: “Ví dụ, hồi chiến đấu trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, ai cũng bảo máy bay Sam 2 làm sao đánh được B52. Địch còn động viên binh lính rằng, cứ vào Việt Nam... chơi như không. Vậy mà, chúng ta đã đánh thắng. Nếu vũ khí khí tài đó mà vào nước khác thì có lẽ không đánh được B52. Suốt từ 1965 – 1972, máy bay SAM 2 được cải tiến 3 bước lớn, 40 bước nhỏ. Cải tiến do quá trình chiến đấu thấy khúc mắc, họ có ý kiến để cải tiến, thay đổi cho phù hợp với tình hình thực tế”.
Nói về bảo vệ biển đảo, Tướng Phiệt cho rằng, cần phải chung sức của cả dân tộc, bằng cả trí tuệ, sức mạnh đại đoàn kết của toàn dân Việt. Thứ hai, là dựa vào luật pháp quốc tế. “Rõ ràng đây là “phên dậu” của tôi, anh không thể lấn chiếm trái phép. Chính phía Trung Quốc cũng đã ký Hiệp ước DOC, anh phải tuân thủ. Chủ quyền phải có căn cứ pháp lý, đúng luật quốc tế, không phải anh cứ muốn là được”, Trung tướng Nguyễn Văn Phiệt nói.
Kiên quyết bảo vệ chủ quyền
Tướng Phiệt phân tích: “Thời gian gần đây, Trung Quốc cho xây sân bay, như sân bay ở đảo Gạc Ma. Ta có phản đối việc này. Phía Trung Quốc lấy lý do “nhận diện phòng không” nhưng mục đích là hợp thức hóa chủ quyền trên không. Cái đó là cái nguy hiểm. Mình không thể công nhận cái đó được. Nhật, Philippines cũng đã không đồng ý với hành động tương tự của Trung Quốc. Đó là mưu đồ lớn của Trung Quốc”.
Cũng theo Tướng Phiệt, vị trí của đảo Gạc Ma nằm ở ngoài biển án ngữ các tàu biển ra vào vịnh Bắc Bộ, Biển Đông. Vị trí đó rất quan trọng trên tuyến đường hàng hải quốc tế, giao thương kinh tế quốc tế. Trung Quốc gần như có một chiến lược liên hoàn trên Biển Đông. Tham vọng của họ rất lớn, thậm chí là muốn làm chủ trái phép trên cả vùng biển Việt Nam và của một số nước khác. Đối với chiến lược của họ, làm thế nào để khống chế được toàn bộ tình hình trên không ở Biển Đông. Đây là vấn đề rất cơ bản. Ngoài ra, Trung Quốc cũng muốn khống chế đường hàng hải của thế giới đi qua Biển Đông. Trung Quốc muốn tất cả các nước xung quanh, nhất là các nước ASEAN đều phải bị khuất phục theo kiểu đây là chủ quyền của tôi.
Trước đây, trên bản đồ Trung Quốc không có Trường Sa, Hoàng Sa, bởi vì cha ông của họ rất trung thực, vì không có nên họ không ghi. Trên những tấm bản đồ đó, lãnh thổ của Trung Quốc, điểm cực Nam cũng chỉ đến đảo Hải Nam. Còn bãi cát vàng (nay gọi là Trường Sa, Hoàng Sa) thuộc về chủ quyền của Việt Nam. Nhưng đến bây giờ, phía Trung Quốc ngang nhiên vẽ bản đồ có kèm theo “đường lưỡi bò” vô lý. Rồi, họ lại muốn “nhận diện trên không” để “đánh dấu” cái này. Chiến lược của họ rất lâu dài, muốn đặt nền móng cho con cháu về sau. Tuy nhiên, chúng ta và thế giới không bao giờ chấp nhận điều phi lý đó.
Một lần nữa, vị Tướng Phòng không, Không quân quả quyết: “Chúng ta phải kiên quyết bảo vệ chủ quyền trên Biển Đông bằng cách xây dựng các lực lượng mạnh lên, các đảo vững vàng lên. Trên đảo chắc chắn phải có nhân dân, quân dân gắn bó thì đảo sẽ vững chãi hơn. Chúng ta phải đưa ra bằng chứng xác thực, tuyên truyền để nhân dân thế giới và nhân dân Trung Quốc hiểu chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là bất biến. Khi họ hiểu rồi, họ mới ủng hộ mình được”.