Sau cú va chạm mạnh với xe tải, 2 mẹ con chị H. ngã xuống đường và bị cuốn vào gầm xe, tử vong tại chỗ.
Theo báo Tuổi trẻ, trưa 10/4, tại ngã tư đường 30/4 với Lê Lợi thuộc phường 2, TP Tây Ninh (tỉnh Tây Ninh) đã xảy ra vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng giữa xe máy và xe tải khiến hai mẹ con đi xe máy tử vong.
Hai nạn nhân là chị Phạm Thị Kim H. (32 tuổi) và con trai Ngô Gia T. (5 tuổi) - ngụ tại huyện Bến Cầu, tỉnh Tây Ninh. Chiếc xe tải do tài xế Bùi Vĩnh Lộc (41 tuổi, ngụ huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh) điều khiển.
Lực lượng chức năng khám nghiệm hiện trường vụ tai nạn (Ảnh: báo Thanh niên) |
Báo Thanh niên dẫn nguồn tin từ một số người chứng kiến vụ tai nạn cho biết, vào thời điểm trên, chị H. điều khiển xe máy BS 36M7 - 6471 chở con đi khám bệnh về. Khi đến khu vực ngã tư đường 30 Tháng 4 và Lê Lợi thì xảy ra va chạm với xe tải BS 70K - 5167 do tài xế Lộc điều khiển chạy cùng chiều.
Cùng đưa tin về vụ tai nạn này, TTXVN cho hay, sau cú va chạm mạnh, hai mẹ con chị H. đã ngã xuống đường và bị xe tải cuốn vào gầm xe. Chị H. và cháu T. tử vong trên đường đi cấp cứu; chiếc xe gắn máy kẹt dưới gầm xe ôtô, hư hỏng hoàn toàn.
Công an thành phố Tây Ninh đã có mặt kịp thời điều tiết giao thông, khám nghiệm hiện trường và điều tra làm rõ nguyên nhân tai nạn.
Điều 202. Tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ (Bộ Luật hình sự 1999, sửa đổi bổ sung ngày 19/06/2009): 1. Người nào điều khiển phương tiện giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ, tài sản của người khác, thì bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến năm năm. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm: A) Không có giấy phép hoặc bằng lái xe theo quy định; B) Trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định hoặc có sử dụng các chất kích thích mạnh khác mà pháp luật cấm sử dụng; C) Gây tai nạn rồi bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm hoặc cố ý không cứu giúp người bị nạn; D) Không chấp hành hiệu lệnh của người đang làm nhiệm vụ điều khiển hoặc hướng dẫn giao thông; Đ) Gây hậu quả rất nghiêm trọng. 3. Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm. 4. Vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ mà có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả đặc biệt nghiêm trọng nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm. 5. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm. Chú ý: Thông tin pháp lý trong hộp nội dung này được trích từ nguồn trên mạng Internet, nên chỉ mang tính tham khảo |
(Tổng hợp)