Sau khi giật dây chuyền của người đi đường, bị người dân vây bắt, Tú bèn lấy hung khí chống trả rồi nhảy sông hòng tẩu thoát nhưng bất thành.
Báo Thanh niên đưa tin, sáng 5/4, Công an TP.Mỹ Tho (Tiền Giang) cho biết đơn vị này đang tạm giữ nghi phạm Nguyễn Anh Tú (36 tuổi, ngụ xã Thạnh Phú, H.Châu Thành) để điều tra làm rõ hành vi cướp giật tài sản.
Nạn nhân là bà Giáp Thị Ngọc, 63 tuổi, ngụ phường 3,TP Mỹ Tho.
Nghi phạm tại cơ quan công an (Ảnh: báo Dân trí) |
Theo báo Dân trí, vào khoảng 6h ngày 5/4, bà Ngọc đang điều khiển xe mô tô trên đường Lý Công Uẩn thuộc phường 1, TP Mỹ Tho thì bất ngờ bị Nguyễn Anh Tú điều khiển xe mô tô BKS 63FL-7513 áp sát giật sợi dây chuyền vàng có trọng lượng gần 1,2 chỉ vàng 18k đang đeo trên cổ.
Bà Ngọc truy hô người dân lao ra đường đạp vào xe khiến Tú té ngã xuống đường. Lập tức, Tú lấy hung khí trong người ra chống trả nên bị người dân vây đánh.
Tú bỏ xe chạy bộ từ đường Lý Công Uẩn ra dốc cầu Quay nhảy xuống sông Bảo Định tẩu thoát. Trên đường bỏ chạy Tú cởi bỏ quần dài đang mặc trên người rồi đi dọc theo mé sông ẩn nấp dưới nhà dân thì bị cảnh sát và người dân bắt giữ.
Báo Thanh niên dẫn nguồn tin từ hồ sơ công an cho biết, Tú là người nghiện ma túy, có 1 tiền án về tội cướp giật tài sản.
Hiện vụ việc đang được Công an TP. Mỹ Tho tiếp tục điều tra làm rõ.
Điều 133. Tội cướp tài sản (Bộ luật hình sự năm 1999, sửa đổi, bổ sung năm 2009): 1. Người nào dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm: a) Có tổ chức; b) Có tính chất chuyên nghiệp; c) Tái phạm nguy hiểm; d) Sử dụng vũ khí, phương tiện hoặc thủ đoạn nguy hiểm khác; đ) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 11% đến 30%; e) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng; g) Gây hậu quả nghiêm trọng. 3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm: a) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60%; b) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng; c) Gây hậu quả rất nghiêm trọng. 4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười tám năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình: a) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 61% trở lên hoặc làm chết người; b) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên; c) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. 5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ một năm đến năm năm. Chú ý: Thông tin pháp lý trong hộp nội dung này được trích từ nguồn trên mạng Internet, nên chỉ mang tính tham khảo |
(Tổng hợp)