(ĐSPL) - Mỹ không công nhận yêu sách chủ quyền của Trung Quốc xung quanh các kết cấu nhân tạo và khẳng định tiếp tục tuần tra trên Biển Đông sau vụ bị nước này xua đuổi.
Báo Bưu điện Hoa nam buổi sáng (Hong Kong) hôm nay cho biết, các máy bay giám sát và tàu hải quân Mỹ vẫn chưa "sát hạch" yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở xung quanh các đảo nhân tạo tại Biển Đông nhưng Lầu Năm Góc đã cảnh báo đó có thể là "bước đi tiếp theo".
[mecloud]SOqjZLiw8x[/mecloud]
Video: Trung Quốc đuổi phi cơ tuần tra Mỹ trên Biển Đông.
Phát ngôn viên Lầu Năm Góc Steven Warren khẳng định, Mỹ không công nhận yêu sách chủ quyền của Trung Quốc xung quanh các kết cấu nhân tạo. Tuy nhiên, các máy bay giám sát P-8 và tàu hải quân Mỹ tuần tra ở Biển Đông chưa thử hoạt động trong khu vực 12 hải lý của các đảo nhân tạo. “Đó sẽ là bước tiếp theo", ông nói với báo giới. "Chúng tôi sẽ tiếp tục các sứ mệnh tuần tra thông thường của mình".
Trước đó, quan chức Mỹ cho hay, họ đang cân nhắc chọn lựa điều tàu chiến và máy bay giám sát đến khu vực 12 hải lý xung quanh các đảo nhân tạo ở Biển Đông. Nhiều chuyên gia lo ngại về khả năng gia tăng căng thẳng khi hai bên đối đầu ở vùng biển có các hải lộ quan trọng bậc nhất với thương mại toàn cầu.
Trong khi đó, người phát ngôn Bộ ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi nói ông không biết về vụ việc máy bay Trung Quốc xua đuổi máy bay Mỹ.
"Trung Quốc có quyền tham gia vào việc giám sát vùng biển và không phận liên quan để bảo vệ chủ quyền và ngăn chặn các vụ việc bất ngờ trên biển. Chúng tôi hi vọng quốc gia liên quan nghiêm túc tôn trọng chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông", ông Hồng Lỗi nói ngày 21/5.
Trước đó, kênh CNN loan báo hôm 20/5 vừa qua, máy bay săn ngầm Mỹ áp sát một khu vực mà Trung Quốc cho xây dựng trái phép thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Một thành viên phi hành đoàn trên máy bay giám sát P-8A Poseidon của Mỹ bên cạnh hình ảnh đảo nhân tạo mà TQ xây dựng trái phép ở Biển Đông. Ảnh: Reuters
Hoàn Cầu thời báo cũng xác nhận tin này và cho biết hải quân Trung Quốc 8 lần phát tín hiệu cảnh báo yêu cầu máy bay Mỹ tránh xa khu vực mà Bắc Kinh tự nhận có chủ quyền.
Truyền thông Trung Quốc sáng 21/5 còn chỉ trích quân đội Mỹ và kênh CNN “cố ý tiết lộ sự việc” với mục đích “biến việc nội bộ của Trung Quốc thành việc quốc tế” và “lôi kéo các nước liên quan gây áp lực lên Trung Quốc”.
Trong sự việc nói trên, Mỹ điều động máy bay do thám, săn ngầm tối tân P-8A đến trinh sát ở một điểm đảo thuộc quần đảo Trường Sa, nhưng địa điểm cụ thể không được tiết lộ.
Độ cao thấp nhất trong quá trình bay qua Trường Sa của chiếc P-8A của Mỹ là 4.572m, kênh CNN nói Mỹ sẽ còn xem xét thực hiện những phi vụ bay “gần điểm đảo đang xây dựng” hơn nữa, tại nơi mà Trung Quốc bồi lấp đảo trái phép, vi phạm chủ quyền Việt Nam.
>> Xem tin tức mới nhất về tình hình Biển Đông: Vụ 5 tàu cá Việt Nam bị đánh chìm: Bộ ngoại giao Việt Nam lên tiếng
MAI NGUYÊN (Tổng hợp)