Lãi suất hơn 50%/tuần, hơn 200%/tháng
Mới đây, TAND quận 1, TP. HCM vừa thụ lý, giải quyết đơn khởi kiện về việc “tranh chấp kiện đòi tài sản” giữa nguyên đơn là bà L.T.T.O (38 tuổi, ngụ tại Bình Định), bị đơn là ngân hàng W. và ngân hàng V.
Theo nội dung đơn khởi kiện, ngày 23/9/2020, bà O. đăng ký vay tiền thông qua 5 app vay tiền trực tuyến (một hình thức vay tiền mang bản chất của tín dụng đen đang rất phổ biến trên không gian mạng - PV). Theo đó, số tiền vay mỗi app là 2 triệu đồng và số tiền nhận trên thực tế là 1,3 triệu đồng. Thời hạn vay là 1 tuần, kể từ ngày nhận được tiền vay. Như vậy, tiền lãi suất sẽ là hơn 50%/tuần, tính ra hơn 200%/tháng.
Sau khi đăng ký xong, bà O. được hướng dẫn thanh toán tiền gốc và tiền lãi qua tài khoản đứng tên bà tại ngân hàng W. (chi nhánh TP. HCM) và ngân hàng V. (chi nhánh TP. HCM).
Tuy nhiên, bà O. khẳng định không ký bất cứ văn bản nào hoặc có xác nhận nào về đồng ý việc mở các tài khoản đứng tên tại hai ngân hàng này.
Do thời gian vay quá ngắn hạn nên khi đến hạn, bà O. không có khả năng thanh toán, 5 app cho vay đã giới thiệu cho bà với một số app tiếp tục vay tiền để trả các khoản đã vay trước đó.
Trong khoảng thời gian này, bà O. và gia đình liên tục nhận được những cuộc gọi và tin nhắn đe dọa từ các số điện thoại lạ. Bà O. tiếp tục đăng ký vay tiền các app được giới thiệu. Tổng cộng, từ 5 app vay tiền, bà O. vay thêm tiền từ 40 app khác.
Từ tháng 9/2020 đến nay, bà O. đã thanh toán tổng số tiền hơn 342 triệu đồng vào tài khoản ở ngân hàng W. và hơn 12 triệu đồng vào tài khoản ở ngân hàng V.
Trong đơn khởi kiện, bà O. cho rằng hành vi hai ngân hàng trên tự mở tài khoản mang tên bà mà không được sự đồng ý của bà là vi phạm pháp luật về hoạt động của các tổ chức tín dụng. Việc làm này theo bà O. là gián tiếp “tiếp tay” cho hành vi lừa đảo của các app vay tiền trực tuyến. Bà O. làm đơn khởi kiện yêu cầu 2 ngân hàng đóng các tài khoản của bà và hoàn trả lại toàn bộ số tiền bà đã chuyển vào các tài khoản.
Con nợ “khởi kiện”, phủ nhận sạch trơn khoản vay
Trong hội nhóm vay nợ gần đây xuất hiện phổ biến tình trạng các con nợ sau khi mất khả năng trả nợ có xu hướng muốn “phủi bay trách nhiệm”, “phủ nhận” khoản vay bằng cách làm đơn khởi kiện, trình báo cơ quan công an về việc bị các đối tượng lạ mặt nhắn tin khủng bố, đe dọa, đồng thời viện lý do bị mất giấy tờ nên bị lạm dụng thông tin cá nhân vào mục đích xấu.
“Nếu các bác có tay nghề và nhận được sự tín nhiệm của công ty thì các bác cứ bùng app cho em nhé, chờ cuối tuần rảnh em sẽ lên phường xin giấy kiện với lý do mất giấy tờ. Em có vay mượn nhưng chỉ vay ngân hàng chứ không vay ai bên ngoài hết. Hội chủ app gửi các giấy tờ đòi nợ làm ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của em nên em làm đơn kiện”, tài khoản N.A.T. – thành viên Hội Bùng App Và Vay Tiền Online có hơn 30.000 thành viên chia sẻ.
Tài khoản N.A.T cho biết sẽ làm đơn kiện công ty do gửi giấy thông báo về việc trễ hẹn thanh toán, làm ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của T.
Cụ thể, tài khoản N.A.T. đã nhận được giấy thông báo về việc trễ hẹn thanh toán từ Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ TM24H – ATM ONLINE với số tiền dư nợ tính đến ngày 6/12/2021 là 7,2 triệu đồng, trễ hẹn thanh toán 132 ngày. Đại diện ATM ONLINE cho biết, công ty này đang hoàn tất hồ sơ khởi kiện hoặc kiến nghị cơ quan chức năng khởi tố vụ án hình sự về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản theo quy định hiện hành.
Hội Bùng App Và Vay Tiền Online trên mạng xã hội Meta (Facebook) có hơn 30.000 thành viên.
Tương tác với bài viết của N.A.T., tài khoản W.N.P. cho rằng việc N.A.T khởi kiện là hành động chuẩn. “Anh em ai nhận được giấy thông báo về việc trễ hẹn thanh toán cứ gửi lên công an. Báo cáo công ty này vu khống, quấy rối, bôi nhọ danh dự khi không có bằng chứng vay mượn và chữ ký”, tài khoản W.N.P. nói.
Một tài khoản khác là A.A. cũng cho biết, sau khi vay Ví hỉ tước số tiền gần 33 triệu đồng, sau 1 tuần, số tiền cả gốc lẫn lãi A.A phải trả đã tăng lên đến hơn 50 triệu đồng, kèm theo đó là tiền phạt hơn 5 triệu đồng. Không có khả năng trả nợ, mất hết gia đình, vợ con, nhưng “bùng không được, trả nợ không xong”, A.A. làm đơn trình báo và tố giác tội phạm gửi lên các cơ quan chức năng.
Tài khoản A.A cũng làm đơn trình báo và tố giác tội phạm gửi lên các cơ quan chức năng sau khi vay tiền qua app với lãi suất cao “cắt cổ”.
Dự báo tín dụng đen hết sức phức tạp vào dịp cuối năm
Về vấn đề vay tiền qua các app trên mạng, Đại tá Nguyễn Thế Lâm, Trưởng Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an TP. Hồ Chí Minh cho biết: Lợi dụng tình hình khó khăn do dịch COVID-19 và dịp cuối năm, nhu cầu về vốn liếng nhiều và cả tiền để chi tiêu cuối năm của người dân tăng nên các đối tượng sẽ đẩy mạnh các phương thức, thủ đoạn dụ dỗ, rao tìm người cho vay với các thủ tục đơn giản, lãi suất không cao nhưng ẩn đằng sau là hàng loạt phí dịch vụ “cắt cổ”…
Đây thực chất là một cách lách luật của các đối tượng cho vay lãi nặng. Bởi thực tế khi đã vay tiền thì người vay sẽ phải trả tiền lãi rất cao, khi không trả được hoặc chậm trả thì các đối tượng sẽ có hàng loạt hành động đe doạ, siết nợ, thậm chí có thể dẫn đến các hành vi phạm tội liên quan đến việc vay tiền. Do đó, Đại tá Nguyễn Thế Lâm khuyến cáo người dân hết sức cảnh giác trước các loại hình cho vay qua mạng không rõ ràng, không phải của các tổ chức uy tín.
Theo dự báo của Cục Cảnh sát hình sự, sau khi dịch bệnh kiểm soát, các địa phương nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội, các đối tượng thay đổi nơi cư trú, di chuyển giữa các địa bàn, nhất là phía Bắc quay trở lại phía Nam để hoạt động “tín dụng đen”.
Tín dụng đen hết sức phức tạp vào dịp cuối năm (Ảnh minh họa)
Do khó khăn về kinh tế, người dân có nhu cầu vay vốn để phục vụ nhu cầu sinh hoạt, phục hồi sản xuất kinh doanh nhưng không đáp ứng yêu cầu vay vốn của hệ thống ngân hàng sẽ có xu hướng tìm đến các nguồn vay không chính thống, trong đó có “tín dụng đen”. Chúng thường tập trung vào nhóm người có thu nhập thấp, bị ảnh hưởng nặng bởi dịch bệnh như công nhân, người lao động thời vụ, kinh doanh nhỏ lẻ, người bị mất việc làm, thanh thiếu niên.
Các đối tượng thành lập các doanh nghiệp đòi nợ, móc nối với các đối tượng có tiền án, tiền sự, băng nhóm tội phạm hoạt động biến tướng dưới các hình thức công ty kinh doanh dịch vụ bảo vệ, mua bán nợ, ủy quyền đòi nợ, tư vấn luật, tư vấn tài chính… Từ đó, phát sinh các hành vi phạm tội từ việc đòi nợ và việc bị đòi nợ (nguyên nhân từ hoạt động “tín dụng đen” và giao dịch vay mượn thông thường) như: Giết người, cướp tài sản, trộm cắp tài sản, cố ý gây thương tích, bắt giữ người trái pháp luật, cưỡng đoạt tài sản, hủy hoại tài sản… với tính chất nghiêm trọng.
Vì vậy, bên cạnh sự nỗ lực của lực lượng công an và các ban, ngành chức năng, thì mỗi người dân phải nâng cao cảnh giác, tự mình điều chỉnh kế hoạch tài chính thích hợp, nếu có nhu cầu vay tiền thì tìm đến ngân hàng hay các tổ chức tài chính được phép hoạt động của nhà nước, tránh vướng vào bẫy của “tín dụng đen”.
Cao Hoa