Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang Triệu Tài Vinh cho rằng, trong thực tiễn hiện nay, xem xét kỷ luật cán bộ, công chức do bầu cử, do dân bầu là rất khó.
Chiều 24/5, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức.
Theo Thanh Niên, thảo luận tại tổ, Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang Triệu Tài Vinh cho rằng, trong thực tiễn hiện nay, xem xét kỷ luật cán bộ, công chức do bầu cử, do dân bầu là rất khó.
“Ví dụ, một đồng chí uỷ viên ban chấp hành đảng bộ, tức cấp uỷ viên, là phó chủ tịch hội đồng nhân dân cùng cấp, về mặt đảng thì kỷ luật được, nhưng về mặt chính quyền không kỷ luật được.
Riêng chức danh phó chủ tịch hội đồng nhân dân là trong luật Tổ chức hội đồng nhân dân cũng không quy định về xem xét hình thức kỷ luật. Có đưa ra kỳ họp hay không hay đưa ra Thường vụ Quốc hội?”, Thanh Niên dẫn lời Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang nêu vấn đề.
Bí thư Hà Giang Triệu Tài Vinh tại phiên thảo luận tổ ở Quốc hội sáng 22/5 - Ảnh: VnExpress |
Ông Vinh cho rằng, luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Cán bộ, công chức và luật Viên chức cần phải nghiên cứu thiết kế thêm về kỷ luật một số chức danh công chức nhà nước được bầu cử.
"Cần phải tính toán, chứ hiện nay vướng, không kỷ luật được cán bộ đấy đâu. Chúng tôi cũng định báo cáo lên Thường vụ Quốc hội xem trường hợp này như thế nào, vì không có quy định. Chỉ có miễn nhiệm hoặc cho thôi tư cách đại biểu, chứ còn kỷ luật lại không có, thẩm quyền này lại không thấy luật điều chỉnh”, ông Vinh nói.
Theo Trí thức trẻ, về hình thức xử lý kỷ luật đối với cán bộ công chức, viên chức vi phạm, ĐBQH Hoàng Văn Trà (Đoàn Phú Yên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương) bày tỏ quan điểm ủng hộ giữ quy định giáng chức (dự thảo Luật đưa ra 2 phương án, phương án 1 bỏ quy định giáng chức, phương án 2 giữ nguyên quy định giáng chức như luật hiện hành).
"Tôi tham khảo các cơ quan chức năng thấy trong thực tế quy định này rất ít khi áp dụng. "Rất ít nhưng cần thiết phải có quy định", đại biểu Hoằng Văn Trà nhấn mạnh.
Ông lấy ví dụ một người đang là cấp phó đưa lên cấp trưởng nhưng không điều hành lãnh đạo được, năng lực không đáp ứng được yêu cầu công việc thì lại giáng xuống cấp phó hoặc trưởng phòng.
"Có những người bị thi hành kỷ luật, đang từ giám đốc sở xuống làm nhân viên thì rất phí về chất lượng chuyên môn của họ, có thể phẩm chất đạo đức bị kỷ luật nhưng chuyên môn của họ thì cần dùng.
Nên duy trì quy định giáng chức nhưng hướng dẫn cụ thể, để tránh việc lợi dụng giáng chức để né cách chức", ĐB Trà nói.
Trước đó, theo Dân trí, bên lề Quốc hội sáng 22/5, ông Triệu Tài Vinh đã trao đổi nhanh với báo chí xung quanh vụ việc gian lận thi cử THPT quốc gia năm 2018 diễn ra ở địa phương này đã khá lâu nhưng việc xử lý vẫn còn chậm. Ông Vinh khẳng định, vừa gọi điện về Hà Giang yêu cầu “phải khẩn trương kiểm điểm đi”. “Cái gì cũng có quy trình của nó. Khởi tố vụ án liên quan đến con người thế nào, trách nhiệm ra sao? Vụ việc đang trong quá trình xử lý”- Bí thư Tỉnh uỷ Hà Giang nói và cho rằng có thể “một tháng nữa sẽ có kết quả”. Liên quan đến trách nhiệm người đứng đầu địa phương trong vụ việc này, ông Triệu Tài Vinh nói: “Tôi biết bạn quan tâm tới gì. Tôi còn “nóng” hơn bạn. Vấn đề là xử lý những người có tên liên quan, ví dụ như cá nhân tôi đúng không? Tôi thì dư luận phán xét xong rồi”. |
Cự Giải (T/h)